Lịch sử hình thành tỉnh Bình Định qua tài liệu lưu trữ Hán - Nôm Triều Nguyễn

Thứ ba - 11/06/2019 04:34 5.602 0
Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả lịch sử hình thành tỉnh Bình Định qua tài liệu Hán – Nôm “Đại Nam Nhất thống chí, tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn - sử liệu liên quan đến Bình Định” được Chi cục Văn thư – Lưu trữ sưu tầm tài liệu quý, hiếm trong và ngoài tỉnh. Đây là những tài liệu gốc quý, giá và đã dịch thuật hiện đang được bảo quản trong Bộ Sưu tập của tỉnh tại Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định, ĐVBQ 198; Chi cục Văn thư – Lưu trữ xin tổng hợp một phần chính quyển sách này nói về sự thành lập, thay đổi địa giới tỉnh Bình Định và sự ra đời các tên gọi của tỉnh, huyện, phủ…thuộc tỉnh Bình Định. Nội dung như sau:
 

     Bình Định nguyên xưa là đất Việt Thường. Đời Tần là huyện Lâm Ấp thuộc Tượng Quận. Đời Hán là huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam. Năm Vĩnh Hòa thứ hai đời vua Thuận đế Nhà Hán (137), người trong quận làm chức Công tào tên là Khu Liên giết viên huyện lệnh, chiếm giữ đất ấy, tự xưng là Lâm Ấp vương. Năm Đại Nghiệp thứ nhất đời Tùy (605), bình định Lâm ấp, đặt làm Châu Xung, sau đổi là quận Lâm ấp, thống lãnh bốn huyện (Tượng Phổ, Kim Sơn, Giao Giang, Nam Cực). Năm Trinh Quán thứ nhất Đường (627), đổi tên là Châu Lâm, thống nhất lãnh ba huyện (Lâm Ấp, Kim Long, Hải Giới). Cuối năm Trinh Nguyên (785-803) đời Đường, đất này trở thành Thành Đồ Bàn, Thị Nại của Chiêm Thành.

 

     Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), Lê Thánh Tôn đánh Chiêm Thành lấy hai thành ấy mở đất đến núi Thạch Bi (nay thuộc tỉnh Phú Yên), chia làm ba huyện: Bồng Sơn, Phù Li và Tuy Viễn và đặt Phủ Hoài Nhơn thuộc dinh Quảng Nam. Nhưng từ núi Cù Mông vào Nam (nay thuộc tỉnh Phú Yên) còn thuộc man lạo, chưa kinh lý đến.

 

image 20190611043517 1

     Năm Nhâm Dần đời Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế (Nguyễn Hoàng) triều ta (1602) đổi tên là Phủ Quy Nhơn (Tên Quy Nhơn xuất hiện từ đây) đặt chức Tuần phủ khám lý, vẫn thuộc dinh Quãng Ninh. Năm Nhâm Tuất đời Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng đế (Nguyễn Phúc Khoát – 1742), khôi phục lại tên cũ là Quy Nhơn. Năm Quý Tỵ đời Duệ Tôn Hiếu Định Hoàng đế (Nguyễn Phúc Thuần – 1773), anh em Nguyễn Văn Nhạc chiếm cứ, đắp thêm thành Đồ Bàn để ở, gọi là Thành Hoàng Đế. Mùa hạ năm Kỷ Mùi (1797, tức là năm Cảnh Thịnh thứ bảy đời Nguyễn Quang Toản, Tây Sơn), Thế tổ Cao Hoàng đánh lấy thành, đổi tên là thành Bình Định (Tên Bình Định bắt đầu từ đây), sai Hậu quân Võ Tánh, Lễ Bộ Ngô Tòng Châu trấn thủ thành này.

 

     Mùa xuân năm Canh Thân (1800), tướng Tây Sơn là bọn Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đem quân vây thành hơn một năm không phá được. Võ Tánh và Tòng Châu đều tuẫn tiết. Đến khi đại binh đánh lấy lại thủ đô thành Phú Xuân, bọn Quang Diệu nghe tin bỏ thành trốn đi, lúc bấy giờ mới đặt làm dinh Bình Định, đặt quan cai trị, gọi là Lưu Thủ, Cai Bạ và Ký Lục. Năm Gia Long thứ bảy (1808), đổi dinh thành trấn. Năm thứ chín (1810), đổi chức Lưu Thủ thành Trấn Thủ.

 

     Năm Minh mạng thứ bảy (1827), đặt chức Tri Phủ phủ Quy Nhơn lãnh coi ba huyện: Bồng Sơn, Tuy Viễn và Phú Mỹ.

Năm thứ tám (1827), đổi chức Cai Bộ, Kí Lục thành Hiệp Trấn và Tham Hiệp, Năm thứ 12 (1831). Lại đổi Phủ Quy Nhơn thành Phủ Hoài Nhơn. Năm thứ 13 (1832) chia đặt các tỉnh, đổi trấn thành tỉnh và đặt chức Tổng đốc Bình Phú (Bình Định, Phú Yên) coi chung cả tỉnh Phú Yên và đổi hai Ty Bố Chánh, chia huyện Tuy Viễn ra thành 2 huyện: Tuy Viễn, Tuy Phước và đặt Phủ An Nhơn, chia huyện Phù Li ra thành 2 huyện: Phù Cát, Phù Mỹ đều thuộc Phủ Hoài Nhơn như trước.

 

     Năm thứ 15 (1834) đất từ tỉnh Bình Định vào nam đến tỉnh Bình Thuận gọi là Tả Kì.

 

     Năm Tự Đức thứ năm (1852) giảm Phủ An Nhơn, đặt chức tri huyện Tuy Viễn cho thuộc Phủ Hoài Nhơn và giảm chức Tri huyện Phù Mỹ cắt huyện ấy về Phủ Hoài Nhơn kiêm lý.

 

     Năm Tự Đức thứ 6 (1853) sát nhập tỉnh Phú Yên vào tỉnh Bình Định đặt ra đạo Phú Yên, những văn thư sổ sách đạo Phú Yên phải đề ba chữ tỉnh Bình Định lên trên.

 

     Năm thứ 17 (1864), đạo Phú Yên lại đặt lại tỉnh như trước.

 

     Năm thứ 18 (1865) lại tách hai huyện Tuy Viễn và Tuy Phước thành lập Phủ An Nhơn.

 

     Năm 30 (1877), đặt Nha kinh lí An Khê ở miền thượng du huyên Tuy Viễn. Năm Đồng Khánh thứ ba (1888), đổi đặt là huyện Bình Khê thuộc phủ An Nhơn.

 

     Năm Thành Thái thứ hai (1890) đặt Châu Hoài An ở thượng du huyện Bồng Sơn thuộc Phông Nghĩa Bình. Năm thứ 11 (1899) đổi là huyện thuộc phủ Hoài Nhơn. Năm thứ 18 (1906) huyện Tuy Phước đổi đặt là phủ. Toàn tỉnh nay thành 3 phủ sáu huyện:

 

     Phủ An Nhơn

 

     Ở phía Tây tỉnh thành 14 dặm. Từ phía Đông đến phía Tây cách nhau 99 dặm, từ phía Nam đến phía Bắc cách nhau 60 dặm. Phía Đông đến biển 60 dặm: Phía Tây đến đất Nam 93 dặm: Phía Nam đến địa giới huyện Đồng Xuân đạo Phú Yên: Phía Bắc đến địa giới huyện Phù Cát (Nguyên là đất huyện Tuy Viễn Phủ Hoài Nhơn). Năm Minh mạng thứ 13 (1832) đặt tên phủ này. Năm Tự Đức thứ năm (1852) giảm bỏ cho thuộc về phủ Hoài Nhơn như cũ. Năm thứ 19 (1865) đặt lại phủ này, kiêm lý huyện Tuy Viễn thống hạt huyện Tuy Phước. Năm Đồng Khánh thứ ba (1888) đặt thêm huyện Bình Khê thuộc về phủ này. Năm Thành Thái thứ 18 (1906) nâng huyện Tuy Phước lên thành Phủ. Phủ này lãnh hai huyện:

 

     Huyện Tuy Viễn: Huyện này do phủ kiêm lý. Từ phía đông đến phía tây cách nhau 70 dặm, từ phí nam đến phía Bắc cách nhau 60 dặm. Phía đông giáp địa giới Phủ Tuy Phước; phía tây giáp địa giới huyện Bình Khê; phía Nam giáp địa giới phủ Tuy Phước; phía bắc giáp địa giới huyện Phù Cát phủ Hoài Nhơn. Nguyên trước là đất huyện Tượng Lâm. Đầu đời Lê đổi tên huyện này thuộc phủ Hoài Nhơn. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) chia ra đặt thêm huyện Tuy Phước và đặt phủ An Nhơn thì huyện này thuộc Phủ An Nhơn kiêm lí. Năm Tự Đức thứ năm (1852) bỏ phủ An Nhơn lại là huyện đặt chức tri huyện và kiêm nhiếp huyện Tuy Phước, cho thuộc phủ Hoài Nhơn. Năm thứ 18 (1865) đặt lại phủ An Nhơn thì huyện này thuộc phủ kiêm lí. Năm Đồng Khánh thứ ba (1888) cắt hai tổng Mĩ Thuận, Phú Phong sát nhập huyện Bình Khê. Nay kiêm lãnh bốn tổng bao gồm 93 xã, thôn.

 

     Huyện Bình Khê: Ở phía tây phủ An Nhơn. Từ phía đông đến phía tây cách nhau hơn 30 dặm, từ phía nam đến phía bắc cách nhau 70 dặm, phía đông giáp địa giới huyện Tuy Viễn, phía tây giáp với núi; phía nam giáp địa giới huyện Sơn Hòa tỉnh Phú Yên; phía bắc giáp địa giới huyện Bồng Sơn (Nguyên đất thượng du huyện Tuy Viễn).

 

     Vào năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) tách 10 thôn trong tổng Phú Phong, 8 thôn trong tổng Mĩ Thuận cùng 28 thôn mới chia thành bốn tổng: Vĩnh Thạnh, Thuận Đức, An Khê và Tân Phong để thành lập huyện này thuộc phủ An Nhơn thống hạt. Nay lãnh bốn tổng 46 thôn, trang.

 

     Xét: Năm Tự Đức thứ 30 (1877) quan Bố Chánh tỉnh Bình Định là Phan Văn Điển dâng sớ xin khai khẩn đất hoang. Vua chuẩn cho đặt Nha Kinh lý ở thôn An Khê, đặt quan lại cư trú và mộ dân khai khẩn phía tây và phía đông Sông Ba, lập được 28 thôn. Năm Đồng Khánh thứ ba (1888) đặt huyện Bình Khê còn Nha Kinh lý thì triệt bỏ. Nay đổi đặt đồn kinh lý của quan Pháp ở đấy.

 

     Phủ Hoài Nhơn

 

     Cách phía Bắc tỉnh thành 116 dặm. Từ phía Đông đến phía tây cách nhau 53 dặm, từ phía nam đến phía bắc cách nhau 153 dặm. Phía đông giáp biển; phía tây giáp núi; phía nam giáp địa giới huyện Tuy Viễn phủ An Nhơn; phía bắc giáp địa giới huyện Đức Phổ tỉnh Quãng Ngãi.

 

     Tên phủ này đặt ra từ đầu đời Lê. Triều ta lúc đầu đổi là phủ Quy Nhơn, sau đổi là Quy Ninh, sau đó lại khôi phục tên cũ. Năm Minh mạng thứ bảy (1826) đặt chức Tri phủ, kiêm lí huyện Phù Ly, thống hạt hai huyện Tuy Viễn và Bồng Sơn. Năm thứ 13 (1832) chia huyện Phù Ly thành 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ. Phủ lại kiêm lí huyện Phù Cát, thống hạt huyện Bồng Sơn và huyện Phù Mỹ, còn huyện Tuy Viễn đặt riêng thành phủ An Nhơn. Năm Tự Đức thứ 18 (1865) đổi kiêm lí Bồng Sơn, thống hạt Phù Cát, Phù Mỹ. Năm Thành Thái thứ 11 (1899) đặt thêm huyện Hoài Ân lệ thuộc phủ này. Nay lãnh bốn huyện.

 

     Huyện Bồng Sơn: Huyện này thuộc phủ Hoài Nhơn kiêm lí. Từ phía Đông đến phía tây cách nhau 30 dặm, từ phía nam đến phía Bắc cách nhau 66 dặm. Phía Đông giáp biển; phía tây giáp địa giới huyện Hoài Ân; phía Nam giáp địa giới huyện Phù Mỹ; phía bắc giáp địa giới huyện Đức Phổ tỉnh Quãng Ngãi. Đầu đời Lê đã đặt tên huyện này. Triều ta cũng để nguyên tên ấy, cho thuộc về Phủ Hoài Nhơn. Năm Tự Đức thứ 18 (1865) đổi lại do phủ kiêm lí. Năm Thành Thái thứ 11 (1899), cắt đất huyện này đặt thêm huyện Hoài Ân, nay lãnh bốn tổng, 105 xã thôn.

 

     Huyện Phù Mỹ: Ở phía Đông Nam phủ Hoài Nhơn. Từ phía Đông đến phía Tây cách nhau 58 dặm, từ phía Nam đến phía Bắc cách nhau 57 dặm. Phía Đông giáp biển; Phía Tây giáp địa giới 2 huyện Hoài Ân và Phù Cát; Phía Nam giáp địa giới huyện Phù Cát; Phía Bắc giáp địa giới huyện Bồng Sơn. Nguyên trước là đất huyện Phù Ly. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) chia đặt huyện này. Năm Tự Đức thứ 5 (1852) do Phủ Hoài Nhơn kiêm nhiếp. Năm thứ 18 (1865) đặt làm huyện trở lại, nay có bốn tổng, 123 xã, thôn.

 

     Huyện Phù Cát: Ở phía Nam phủ Hoài Nhơn. Từ phía Đông đến phía Tây cách nhau 59 dặm, từ phía Nam đến phía Bắc cách nhau 30 dặm. Phía Đông giáp biển; Phía Tây giáp man núi; Phía Nam giáp địa giới huyện Tuy Viễn Phủ An Nhơn; Phía Bắc giáp địa giới huyện Phù Mĩ. Nguyên trước là đất huyện Phù Li. Năm Minh Mạng thứ 7 (1826) thuộc phủ Quy Nhơn kiêm lí. Năm thứ 13 (1832) chia huyện Phù Li đặt thêm huyện này nhưng cũng thuộc phủ kiêm lí. Năm Tự Đức thứ 18 (1865) đổi lại do phủ thống hạt đặt chức Tri huyện, nay có bốn tổng, 127 xã, thôn.

 

     Huyện Hoài Ân: Ở phía Tây Phủ Hoài Nhơn. Từ phía Đông đến phía Tây cách nhau 30 dặm, từ phía Nam đến phía Bắc cách nhau 70 dặm, phía Đông giáp địa giới huyện Bồng Sơn; Phía Tây giáp man núi; Phía Nam giáp địa giới huyện Phù Cát và huyện Bình Khê phủ An Nhơn; Phía Bắc giáp địa giới huyện Đức Phổ tỉnh Quãng Ngãi. Nguyên trước là đất thượng du huyện Bồng Sơn. Năm Thành Thái thứ hai (1890) đặt châu Hoài Ân lệ thuộc sơn phòng Nghĩa Định. Năm thứ 11 (1899) cắt một tổng Vạn Đức, chín thôn trong tổng Trung An, năm thôn trong tổng Kim Sơn và 14 thôn trong tổng An Sơn chia đặt làm ba tổng: Hoài Đức, Quy Hóa, Vân Sơn để thành lập huyện, thuộc phủ Hoài Nhơn thống hạt, gồm 3 tổng, 61 trang

 

     Phủ Tuy Phước

 

     Ở phía Đông tỉnh thành 40 dặm. Từ phía Đông đến phía Tây cách nhau 41 dặm, từ phía Nam đến phía Bắc cách nhau 58 dặm. Phía Đông giáp biển; Phía Tây giáp địa giới Tuy Viễn; Phía Nam giáp địa giới huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên, Phía Bắc giáp địa giới huyện Phù Cát. Nguyên trước là đất huyện Tuy Viễn. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) chia đặt làm huyện, thuộc phủ An Nhơn. Năm Tự Đức thứ 5 (1852) đổi thuộc Phủ Hoài Nhơn, Năm thứ 18 (1865) trở lại thuộc phủ An Nhơn. Năm Thành Thái thứ 18 (1906) nâng lên thành phủ. Nay có bốn tổng. 147 thôn, phường. Như vậy, đến năm 1906 tỉnh Bình Định có tổ chức hành chính: 3 phủ, 6 huyện, 27 tổng, 702 thôn (Phường, Trang). Đáng chú ý là đến năm 1910, các huyện không còn trực thuộc phủ, mà phủ và huyện có quyền hành ngang nhau, dưới phủ, huyện có tổng.Và tỉnh Bình Định có các huyện Bồng Sơn, Phù Mỹ

     Phù Cát, Hoài Ân, Tuy Viễn, Bình Khê và các phủ: Hoài Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước với dân số khoảng 589.000 người, bao gồm các dân tộc: người Kinh trên 581.000 người, người dân tộc thiểu số 7000 người, người Hoa 7000 người, người Pháp 120.000 người, Ấn Độ 6 người. Năm 1915, tỉnh Phú Yên sáp nhập vào tỉnh Bình Định gọi là tỉnh Bình Phú cho đến năm 1945.

 

     Qua quá trình hình thành và phát triển ở Triều Nguyễn cho thấy, vùng đất Bình Định đã trải qua nhiều biến chuyển lịch sử và là một trọng trấn ở phía nam Kinh thành. Trong suốt giai đoạn phong kiến, là nơi chứng kiến, ghi dấu ấn sâu sắc của nhiều sự kiện lịch sử, văn hoá lớn của đất nước./.


Thùy Linh, Phòng LTLS  (Cập nhật ngày 10-07-2017)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
Văn phòng điện tử IDesk
Công dân hỏi, giám đốc sở trả lời
Tra cứu Hồ sơ đi B
Công khai tài chính
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập139
  • Hôm nay535
  • Tháng hiện tại19,416
  • Tổng lượt truy cập1,870,483
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây