Đồng bào, chiến sỹ miền trung nhớ Bác

Thứ ba - 11/06/2019 04:37 200 0
Với dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh là sự kết tinh những gì tốt đẹp, ưu tú nhất của trí tuệ và tư tưởng, tình cảm, đạo đức, nhân cách, lối sống của con người và dân tộc Việt Nam. Người tiêu biểu cho cốt cách và bản lĩnh của dân tộc. Biết bao nhiêu công trình nghiên cứu, biết bao nhiêu tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh về Người nhưng vẫn không nói hết được những giá trị về tư tưởng và phong cách của Người, chỉ biết tình cảm của Bác đã thấm sâu vào từng khối óc, con tim của mỗi người Việt Nam chúng ta.
 

    Ở Bình Định chúng ta với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình cảm ấy lại càng lớn lao trìu mến, vùng đất này người dân thương nhớ Bác như cái gì đó thiêng liêng, thành kính không thể thiếu được trong cuộc sống. Nhân kỷ niệm 128 năm (19/5/1890 – 19/5/2018) ngày sinh nhật Bác một Người thầy, người cha, vị Lãnh tụ anh minh gần gũi nhất của dân tộc, Chi cục Văn thư - Lưu trữ Bình Định xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết “Đồng bào, chiến sĩ miền Trung nhớ Bác” của tác giả Nguyễn Thành Văn một người con Bình Định. Tài liệu này đang bảo quản tại Chi cục Văn thư – Lưu trữ Bình Định thuộc Phông số 21, Mục lục 02 , ĐVBQ số 03.

 

     Trong những ngày này, Ngày mà trên khắp đất nước thân yêu của chúng ta đang hân hoan trong khúc ca khải hoàn “Miền Nam hoàn toàn giải phóng” sau bao nhiêu năm chiến đấu hy sinh khao khát đợi chờ lại càng làm ta nghĩ về Bác nhiều hơn lúc nào hết, lòng ta hướng về Bác với lòng kính yêu, thương nhớ hơn bao giờ hết. Và cũng như những ngày hôm nay, trãi qua những ngày gian khổ của cuộc chiến tranh vừa qua, mỗi lần nghĩ về Bác, mỗi chúng ta như có thêm nguồn sức mạnh phi thường, giúp chúng ta chẳng quản gian lao, chẳng ngại hy sinh để cố gắng đạt cho được những ước mơ mà Bác hằng ấp ủ. Lâu nay đã có biết bao câu chuyện làm xúc động lòng người về suy nghĩ và hành động của quân và dân Khu Năm hướng về Bác kính yêu. Và trong khi tiến công nổi dậy như triều dâng thác đổ của trận chiến đấu góp phần giành thắng lợi lịch sử vĩ đại hôm nay đã xuất hiện biết bao tấm gương tiêu biểu.

 

     Ở đoàn bộ binh (thuộc sư đoàn 3) dường như không ai không biết đến tấm gương Nguyễn văn Thanh. Hôm ấy, sau khi quân ta tiêu diệt 2 đại đội  ở ấp Vườn Soài, trên đất Bình Khê, bọn chỉ huy ác ôn còn lại của tiểu đoàn 3 cố thủ trong chiếc lô – cốt đầu cầu. Nhiều lần các chiến sĩ ta xông lên, đều bị hỏa lực của chúng chặn lại. Nhìn đồng đội bị ngã trên đường xung phong mà lòng Thanh quặn đau. Sau giây lát suy nghĩ, Thanh trườn mình đến chỗ đồng chí vừa hy sinh, lấy cây bộc phá 1,2 mét mà đồng chí mình vẫn còn ôm ở ngực. Tranh thủ khi cây đại liên địch trong lô – cốt ngừng bắn để thay băng, Thanh bật dậy, ôm cây bộc phá xông lên. Anh vừa đút cây bộc phá vào lỗ châu mai thì cây bộc phá bị đẩy lên. Thanh đẩy trở lại, nhưng lại bị đẩy lên. Giây phút quyết định đã đến, Thanh vừa lấy sức nặng của người mình đẩy cây bộ phá xuống, vừa dựt nụ xòe. Tiếng địch trong lô – cốt kêu thất thanh, chúng cố đẩy cây bộc phá ra khỏi lỗ châu mai, nhưng với sức mạnh phi thường, Thanh như một khối đá khổng lồ áp mạnh cây bộc phá vào lỗ châu mai. Mùi khét của dây cháy chậm từ làn khói nghi ngút, xộc vào mũi như nhắc nhở Thanh: Cái giây phút mà cây bộc phá phải lên tiếng đã đến. Phía sau Thanh, hàng chục cặp mắt của đồng đội dõi theo vừa hồi hộp, vừa cảm động…Một ánh chớp bừng lên, một tiếng nổ xé trời…Quân ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa. Khi Thanh hoàn thành nhiệm vụ , anh em trong đơn vị còn tìm thấy trong túi áo ngực của Thanh tấm chân dung Bác Hồ in trên trang đầu của quyển lịch Quân giải phóng mà Thanh đã cắt ra, bọc trong tấm giấy bóng rất cẩn thận. Phía sau tấm ảnh là hai câu thơ viết rất nắn nót:

 

“Chúng con chiến đấu hy sinh

 

  Trong lòng son sắt đinh ninh lời thề”

          

     Hai câu thơ trích trong bài thơ của Tố Hữu nói về Bác tuy không còn giữ được nguyên vẹn, nhưng đồng đội của Thanh lại hiểu rất rõ anh hứa với Bác điều gì, thưa với Bác điều gì.

          

     Lòng kính yêu, thương nhớ Bác Hồ còn được thể hiện ở rất nhiều khía cạnh , tùy theo những hoàn cảnh của mỗi người, mỗi lứa tuổi khác nhau. Ở một lớp vỡ lòng của xã Hoài Châu, trong khi bé Minh được cô giáo gọi lên đánh vần hai chữ “Bác Hồ” viết trên bảng, thì một loạt pháo địch dồn dập bắn tới. Cô giáo vội hối các em xuống hầm. Riêng bé Minh, em vẫn khoanh tay trước ngực nhìn thẳng lên bảng, miệng bi bô đánh vần cho hết hai chữ “Bác Hồ” rồi em mới cùng các bạn vào hầm.

          

Người với các đại biểu Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt, năm 1951

 

     Ở huyện Hoài Ân, sau khi giải phóng, một câu chuyện được truyền đi rất nhanh và làm xúc động lòng người, đó là cụ Nguyễn Tiến Hinh 64 tuổi, đã giữ ảnh Bác Hồ suốt từ năm 1945 đến ngày quê hương giải phóng (1975).

          

     Trong suốt hai mươi năm sống trong vòng kìm kẹp gắt gao của kẻ thù, cụ thường giấu tấm ảnh Bác Hồ ở hai nơi: Một là trên bàn thờ ông bà, hai là ở một cái túi được khâu rất khéo léo trước ngực áo của cụ. Khi quê hương được giải phóng, cụ chỉ ước ao có một điều: Mong sao nước nhà nhanh được thống nhất, cụ còn được sống ra miền Bắc, thăm quê hương của Bác Hồ. Cả cuộc đời cụ chỉ ước ao sớm có ngày nước nhà thống nhất, ra thăm Bác Hồ và đó cũng là ước ao chung của cả miền Nam đã cháy bỏng trong lòng chúng ta suốt ba mươi năm ròng rã. Niềm ước ao đó, ở những nơi địch ra sức kìm kẹp gắt gao nhất lại càng dữ dội, quyết liệt nhất.

          

     Ba mươi năm chiến đấu oanh liệt, máu của đồng bào, đồng chí chúng ta đã đổ xuống như thế, để tô đỏ thắm những lá cờ và hoa chiến thắng. Cờ tung bay từ thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước đến Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng và khắp dải đất của non sông gấm vóc. Cờ tung bay trong lòng của bốn mươi triệu người Việt Nam vừa làm nên chiến công rung động địa cầu. Tất cả như muốn thưa với Bác rằng: Bác ơi! Điều mong ước cuối cùng của Bác, chúng con đang thực hiện trọn vẹn.      

                       

                               (Lược trích trong cuốn chiến sĩ

                            

                                      Miền nam với Bác Hồ)

                                                                                            

                                                                                                    1975


Thùy Linh, Phòng LTLS  (Cập nhật ngày 17-05-2018)   

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
Văn phòng điện tử IDesk
Công dân hỏi, giám đốc sở trả lời
Tra cứu Hồ sơ đi B
Công khai tài chính
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập164
  • Hôm nay487
  • Tháng hiện tại19,368
  • Tổng lượt truy cập1,870,435
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây