Ký ức một đếm giao thừa, đón thơ chúc tết của bác Hồ

Thứ sáu - 15/05/2020 15:14 421 0
     Chúc Tết năm mới đã thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Những lời chúc đầu Xuân của Lãnh tụ cổ vũ động viên và mở hướng hành động cho mọi người trước năm mới. Những năm có Bác, trong giờ phút giao thừa thiêng liêng, cả dân tộc chờ đón thơ Người. Tiếng nói ấm áp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu lắng, thôi thúc và có sức khích lệ đặc biệt. Sự thu hút bắt nguồn không chỉ ở nội dung lời thơ chúc Tết mang tư tưởng sâu sắc của Người mà còn khao khát muốn được biết sức khỏe qua giọng nói của vị lãnh tụ vô cùng kính yêu. Trong số các lá thư chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những bài thơ chúc Tết trước lúc Người đi xa vào đầu những Xuân 1966, 1967, 1968, 1969 có một ý nghĩa đặc biệt. Những lời chúc Tết của Người không chỉ thể hiện tình cảm tha thiết, ân tình của Bác với toàn thể quốc dân đồng bào mà còn là sự tổng kết cô đọng và những dự báo chiến lược về bước tiến sắp tới của cách mạng nước nhà. Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890 – 19/5/2020), Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh  Bình Định xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết “Ký ức một đêm giao thừa, đón thơ chúc tết của Bác Hồ” của tác giả Đặng Thành Chơn một người con Bình Định. Tài liệu này đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định thuộc Phông số 21, Mục lục 02 , ĐVBQ số 03.
         
     
Bài viết  như sau:

         
     Từ sau khởi nghĩa thắng lợi, tháng tám năm 1945 đến lúc Bác qua đời, đồng bào cả nước cũng như bà con Bình Định đã 24 lần đón thư chúc tết của Bác Hồ.

         
     Tôi còn nhớ cái Tết Kỷ Dậu (1969) năm Bác sắp đi xa, cơ quan Tỉnh ủy Bình Định đóng dưới chân núi Hòn Chè, phía đông huyện Vĩnh Thạnh. Các bộ phận trực thuộc Tỉnh ủy đều thiết lập nơi làm việc ở các gộp đá có nhiều tầng, phòng máy bay Mỹ oanh tạc. Mật độ phi pháo ở chiến trường Bình Định năm ấy có phần giảm hơn trước đó, nhưng cường độ càn quét để thực hiện chính sách Bình Định,  kẹp dân ở đồng bằng và đô thị rất khốc liệt. Đặc biệt trong dịp tết Kỷ Dậu, địch tăng cường phòng thủ nghiêm ngặt vì sợ ta tấn công bất ngờ như tết Mậu Thân.

         
     Anh chị em các cơ quan Tỉnh ủy và Tỉnh đội sắm tết khá vất vả. Tuy nhiên chúng tôi vẫn đàng hoàng ăn tết, chẳng thiếu thứ gì, từ bánh tét, bánh chưng, đến thịt nướng, chả, nem…đủ cả.

         
     Bữa tiệc chiều 30 tết không có bánh chưng nhưng chẳng ai thắc mắc, vì ai cũng biết rằng bánh chưng ít ỏi đó dành cho buổi liên hoan giao thừa. Từ 23 giờ, tất cả anh chị em trong cơ quan Tỉnh ủy tập trung tại một hang đá rộng nhất – gọi là hang đá số 1 – có bàn thờ Tổ quốc, bên trên bàn thờ có Quốc kỳ và hương hoa, ảnh Bác được đặt ở một nơi rất trang trọng, cạnh đó để chiếc máy thu thanh Phi-lip. Chúng tôi ngồi xúm xít trên 2 dãy ghế nang tre, dưới ánh đèn măng xông sáng choang, chúng tôi vừa uống nước trà vừa nói chuyện tâm tình đợi thơ chúc mừng năm mới của Bác và thời điểm đó đã đến, kim đồng hồ chỉ đúng số 12 tiếng chuông báo giờ ngân lên trong máy thu thanh, tiếp theo là tràng pháo nổ dòn kéo dài một phút. Tiếng pháo trong đài hòa với tiếng súng đủ cỡ nổ rang từ đồng bằng dội lên núi rừng căn cứ. Đó là tiếng súng thường lệ của đêm giao thừa, cả bên ta và bên địch, đều bắn chỉ thiên để mừng năm mới nên không ai ngạc nhiên. Rồi tiếng súng bắt đầu im dần. Tất cả chúng tôi ngồi im phăng phắc lắng tai nghe tiếng nói của Bác trực tiếp đọc thơ chúc tết qua đài.

 
bh1
9h45 ngày 6/2/1969, trong phòng khách nhỏ ở Phủ Chủ tịch,
Bác Hồ đọc lời chúc mừng năm mới. Đài Tiếng nói Việt Nam đến thu thanh (St)
 
“Hôm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên chiến sĩ, đồng bào

Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”
 
     Giọng nói trầm ấm như truyền tình cảm vào chúng tôi. Nghe xong, mọi người vừa cảm động vừa phấn chấn. Ai cũng biết đây là lời chúc tết nhưng đồng thời là lời tiên đoán có cơ sở khoa học của Bác, là Chỉ thị của lãnh tụ Đảng và Nhà nước gửi cho quân và dân cả nước. Chúng tôi vui vẻ mời nhau ăn bánh, uống nước trà và cùng nhau bàn luận từng câu, từng chữ trong thơ Bác. Trong chúng tôi một đồng chí lên tiếng bình luận trước:
         
     - “Năm qua thắng lợi vẻ vang” thì đúng quá rồi! Nếu không thắng lợi vẻ vang thì làm gì có chuyện Mỹ phải xuống thang chiến tranh, phải chịu ngồi lại đàm phán với ta ở Pa-Ri?

         
      Một đồng chí khác tiếp lời:

         
     - Còn “Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to” là lời tiên đoán của Bác. Chắc năm nay Trung ương có kế hoạch đánh lớn nên Bác mới công khai nói trong thơ như thế để chúng ta ở trong này biết trước mà lo chuẩn bị, đón thời cơ.

         
     Lại một đồng chí nói lớn, cắt ngang:

         
     - Theo tôi qua 2 câu “Vì độc lập, vì tự do, Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” rõ ràng là Bác đoán chắc thế nào ở Hội nghị Pa-ri Mỹ sẽ công khai thương lượng với ta để ký Hiệp định cho Mỹ rút quân trong danh dự.

         
     Cứ thế,  hết người nọ đến người kia, mỗi người một cách suy luận của mình về từng câu, từng chữ của Bác. Cho đến khi bình câu kết “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn” thì mọi người như lặng đi, vì nghĩ rằng sẽ được gặp Bác khi nước nhà thống nhất.

         
     Thấy anh em tranh nhau bình luận sôi nổi, tôi cũng xin tham gia phát biểu ý kiến:

         
     - Các đồng chí nên nhớ đây là lời chúc tết của Bác chứ đâu phải Chỉ thị, Nghị quyết gì đâu mà đón chắc mẩm như thế. Nhưng trong câu thơ cuối cùng ấy Bác có kêu gọi “Tiến lên chiến sĩ đống bào” vậy chúng ta phải làm sao động viên cổ vũ đồng bào, chiến sỹ nỗ lực vượt bực, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng , sớm kết thúc chiến tranh để có thể đón Bác vào Nam ăn Tết với chúng ta như Bác từng mong ước.
         
     Tất cả anh chị em đều nhất trí với lời bình luận cuối cùng của tôi. Chúng tôi tiếp tục, vừa ăn bánh chưng vừa nói chuyện sôi nổi về nội dung thơ chúc tết của Bác cho đến hai giờ sáng mới chịu rời hang đá về nơi nghỉ.
         
    Nào ai ngờ chính cuộc bình thơ chúc Tết của Bác Hồ năm ấy lại là lần cuối cùng, từ đó trở đi, chúng tôi không còn hạnh phúc đón thơ chúc tết hàng năm của Bác Hồ nữa. Nhưng cứ mỗi lần Tết đến, mỗi chúng ta lại nhớ lời Bác “Tiến lên chiến sĩ đồng bào”. Lời Bác là lời của núi sông, động viên bao thế hệ người Việt Nam luôn hướng về phía trước làm cho tổ quốc mỗi ngày thêm xuân. Và trong đó Đảng bộ và nhân dân Bình Định từ bấy đến giờ vẫn sắc son thực hiện theo lời Bác với một tình cảm lớn lao, nồng cháy, không dễ mờ phai./.

Tác giả bài viết: Thùy Linh, Phòng Nghiệp vụ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
Văn phòng điện tử IDesk
Công dân hỏi, giám đốc sở trả lời
Tra cứu Hồ sơ đi B
Công khai tài chính
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập155
  • Hôm nay430
  • Tháng hiện tại19,311
  • Tổng lượt truy cập1,870,378
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây