GIÁ TRỊ VÀ PHƯƠNG PHÁP KHAI THÁC TÀI LIỆU LƯU TRỮ TRONG NGHIÊN CỨU ĐỔI MỚI GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Thứ ba - 11/06/2019 07:13 1.162 0
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã xác định 6 quan điểm về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đó là:
 

     1. Vì sao tài liệu lưu trữ rất quan trọng trong nghiên cứu đổi mới giáo dục

 

     a) Cơ sở lý luận

 

     Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã xác định 6 quan điểm về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đó là:

 

     - Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

 

     - Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện đảm bảo thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới tất cả các bậc học, ngành học. Trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc. Đổi mới đảm bảo tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp;

 

     - Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn liền với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội;

 

     - Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp quy luật khách quan. Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng;

 

     - Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Chuẩn hoá, hiện đại hoá giáo dục và đào tạo;

 

     - Chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục và đào tạo. Phát triển hài hòa, hỗ trợ giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách. Thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo.

 

     Các quan điểm trên cho thấy trong quá trình đổi mới, chúng ta phải kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc. Kế thừa ở đâu? ở nhiều nguồn, trong đó nguồn tài liệu lưu trữ rất quan trọng.

 

     b) Cơ sở thực tiễn

 

     Ngành Giáo dục đã qua ba lần cải cách nhưng chưa giải quyết được các yếu kém trong hàng chục năm qua bởi vẫn chưa đổi mới phương pháp dạy và học một cách thực thụ.

 

     Theo ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì “nguyên nhân sâu xa dẫn đến yếu kém của ngành Giáo dục chính là sự nhận thức không đúng về giáo dục toàn diện dẫn đến sự quá tải cho người dạy cũng như người học”. Và Ông cho rằng “ngành Giáo dục cần một cuộc đại phẫu toàn diện và có hệ thống ở mọi cấp học mà trong đó đổi mới phương pháp dạy và học là đổi mới căn bản nhất”.

 

     Mặc dù, cho đến nay khoa học giáo dục vẫn chưa có một định nghĩathống nhất về phương pháp dạy học, nhưng đi sâu vào bản chất của phương pháp dạy họcvà để nêu cụ thể quan hệ biện chứng giữa hoạt động dạy của thầy và hoạt động học của trò, một số học giả đã đưa ra định nghĩa: “Phương pháp dạy học (PPDH)là cách thức làm việc của thầy và của trò trong sự phối hợp thống nhất dưới sự chỉ đạo của thầy nhằm làm cho trò tự giác, tích cực, tự lực đạt tới mục đích học tập”.

 

     Trong quan niệm hiện nay, chúng ta có khái niệm PPDH truyền thống và PPDH hiện đại. Có thể hiểu: PPDH truyền thống là lấy kiến thức muốn truyền đạt làm trọng tâm, mục tiêu là hướng dẫn cho học sinh tiếp thu được những kiến thức đó. Còn PPDH hiện đại là lấy con người làm trọng tâm, mục tiêu là trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để tự học và làm việc tốt. Chúng ta còn có khái niệm về phương tiện dạy học truyền thống và phương tiện dạy học hiện đại; phương tiện dạy học truyền thống bao gồm: bảng đen, mô hình, thiết bị thí nghiệm, tranh ảnh, sách giáo khoa, vườn trường… Còn phương tiện dạy học hiện đại bao gồm: máy vi tính, đĩa CD, DVD, máy chiếu (projector), phần mềm PowerPoint, hệ thống bảng tương tác (activeboard), e-learning…

 

     Đổi mới phương pháp dạy phải gắn liền với cách học của học sinh, nếu giáo viên đơn phương đổi mới mà không để ý học sinh học như thế nào thì đổi mới sẽ không thành công. Quan điểm đổi mới PPDH cũng không có nghĩa là từ bỏ hoàn toàn các PPDH truyền thống mà phải biết vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo giữa các phương pháp đó trong quá trình dạy học nhằm đạt được mục đích cao nhất mà giáo viên đề ra.

 

     Chúng ta đang hướng tới các PPDH tích cực, nghĩa là vận dụng những PPDH theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Dạy học tích cực là sự kết hợp linh hoạt nhiều PPDH phù hợp với nội dung, trình độ nhận thức của học sinh và điều kiện thực tế để đạt được mục tiêu bài học. Dạy học tích cực đòi hỏi cần có sự kết hợp giữa lý thuyết với thực hành và tăng cường liên hệ với thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, việc vận dụng các PPDH đạt hiệu quả cao hay thấp còn tuỳ thuộc vào tài năng sư phạm và khả năng sáng tạo của giáo viên.

 

     Những nội dung trên cho thấy để phục vụ nghiên cứu đổi mới giáo dục, tài liệu lưu trữ không chỉ phục vụ cho cán bộ quản lý mà phải phục vụ cho cả đội ngũ giáo viên các cấp học, ngành học, bậc học, và kể cả học sinh. Điều đó cũng khẳng định thêm giá trị tài liệu lưu trữ trong đổi mới giáo dục.

 

     Thực vậy, tài liệu lưu trữ là một trong những nguồn di sản văn hóa có giá trị đặc biệt của mỗi dân tộc; nó chỉ thật sự phát huy giá trị khi được khai thác sử dụng để phục vụ các mặt hoạt động khác nhau của đời sống xã hội. Vì vậy công tác tổ chức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ là nhiệm vụ quan trọng, mang tính chất chiến lược của mọi cơ quan lưu trữ nói chung và ngành giáo dục nói riêng vì nó là nền tảng cho công tác nghiên cứu đổi mới giáo dục.

 

     Đối với công tác quản lý giáo dục, tài liệu lưu trữ là nguồn thông tin không thể thiếu. Hàng ngày, hàng giờ các cán bộ quản lý giáo dục ở các cơ quan, tổ chức phải thường xuyên khai thác và sử dụng những thông tin trong tài liệu lưu trữ để hoạch định các chương trình, kế hoạch và ban hành các quyết định quản lý cho phù hợp. Bên cạnh đó, tài liệu lưu trữ là bằng chứng, chứng cứ, là căn cứ giúp các cơ quan, tổ chức trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý những vi phạm trong quá trình hoạt động, giải quyết các nhu cầu của tổ chức và công dân về văn bằng, chứng chỉ. Tài liệu lưu trữ còn là nguồn thông tin quý giá phục vụ cho những nhu cầu chính đáng của nhân dân. Thực tế đã chứng minh rằng, hầu hết tất cả mọi người ai cũng đã hơn một lần cần khai thác, sử dụng các tài liệu lưu trữ để xác nhận những thông tin liên quan đến bản thân như: Xác minh lý lịch, thời gian công tác, trình độ học vấn, hình thức khen thưởng, kỷ luật. Như vậy tài liệu lưu trữ là nguồn sử liệu rất quan trọng cung cấp những tư liệu chính xác.

 

     Trong lĩnh vực giáo dục, tài liệu lưu trữ luôn là nguồn thông tin có nhiều giá trị. Cũng như trong lĩnh vực kinh tế, nó là căn cứ để xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục, các nhà quản lý giáo dục không thể không khai thác các số liệu thống kê số lượng học sinh các năm, chất lượng về chương trình và kết quả đào tạo,…. Đặc biệt, tài liệu lưu trữ còn là căn cứ để xác minh thời gian tốt nghiệp, thời gian thi chuyển cấp, thông tin về thi đua – khen thưởng, căn cứ để cấp lại bản sao những văn bằng, chứng chỉ. Nếu không làm tốt công tác lưu trữ thì làm sao có căn cứ để cấp lại bản sao những văn bằng, chứng chỉ bị mất bản gốc. Vậy nên đối với giáo dục thì tài liệu lưu trữ có vị trí rất quan trọng.

 

     Đối với giáo viên, đây là nguồn thông tin tin cậy để nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra như soạn bài, giảng bài, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, giáo dục đạo đức, rèn luyện lỹ năng sống cho học sinh.

 

     Đối với học sinh, đây là kho kiến thức khổng lồ để các em tiếp cận theo nhu cầu và khả năng của mình (ngân hàng đề thi).

 

     2. Những đòi hỏi đặt ra cho công tác lưu trữ trong ngành giáo dục

 

     a) Thay đổi về mục tiêu

 

     Muốn phục vụ cho một đối tượng đông đảo, rộng lớn như vậy, theo tôi công tác lưu trữ phải được thực hiện đồng bộ, thống nhất từ cơ sở trường học đến các cấp quản lý giáo dục.

 

     Trước hết là về mục tiêu cần đặt ra cho công tác lưu trữ:

 

     - Mục tiêu chính mang tính đặc trưng của công tác lưu trữ trong ngành giáo dục là phục vụ công tác quản lý giáo dục, thể hiện qua quản lý hồ sơ học sinh, kết quả thi cử, cấp phát văn bằng chứng chỉ;

 

     - Thực tế hàng năm, Sở GD&ĐT căn cứ vào tài liệu lưu trữ để cấp bản sao văn bằng chứng chỉ cho hàng trăm cá nhân có nhu cầu và xác minh tính chính xác hàng trăm văn bằng chứng chỉ;

 

     - Để phục vụ nghiên cứu đổi mới giáo dục và đào tạo, công tác lưu trữ phải chuyển hướng từ chỗ chỉ tập trung phục vụ cho công tác quản lý (đội ngũ cán bộ quản lý) chuyển sang phục vụ cho nhu cầu của đông đảo nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của gần 20 nghìn người thuộc hơn 700 đơn vị khi có nhu cầu.

 

     b) Thay đổi về danh mục

 

     Danh mục tài liệu cần lưu trữ cũng có sự chuyển đổi theo nhu cầu:

 

     - Giáo án(mẫu);

 

     - Ngân hàng đề thi trắc nghiệm và tự luận;

 

     - Hệ thống đề thi và đáp án;

 

     - Chuẩn kiến thức kỹ năng của từng bộ môn;

 

     - Tài liệu tham khảo;

 

     - Thiết bị dạy học;

 

     - Băng đĩa giáo khoa;

 

     - Phần mềm phục vụ giảng dạy và học tập,…

 

     c) Thay đổi về phương pháp khai thác

 

     Khi danh mục và đối tượng phục vụ của công tác lưu trữ có sự thay đổi đổi thì phương pháp khai thác cũng có sự thay đổi:

 

     - Phương pháp khai thác hiện nay chủ yếu là dò tìm, khai thác, đọc tại chỗ, mượn xem từ hồ sơ lưu trữ tại các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục. Phương pháp và hình thức này trở nên lỗi thời, khả năng phục vụ kém cỏi.

 

     Theo tôi, ngành Giáo dục cũng như các ngành khác phải tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ công tác lưu trữ và phục vụ khách hàng cần thông tin lưu trữ theo từng cấp độ: Từng trường, từng cơ sở giáo dục scan hoặc chuyển thông tin sang các file dữ liệu, chuyển lên website hoặc các blog để người cần thông tin dễ truy cập. Sắp xếp dữ liệu khoa học, dễ tìm để phục vụ tốt hơn;

 

     - Đưa thông tin phù hợp vào thư viện điện tử ngành Giáo dục.

 

     d) Thay đổi về nhận thức

 

     Muốn phát huy tốt giá trị của tài liệu lưu trữ, trước tiên cần có sự thay đổi nhiều về cách nhìn và quan niệm về tài liệu lưu trữ. Vẫn còn nhiều cơ quan các cấp, cá nhân trong ngành giáo dục đến nay vẫn còn cho rằng việc lưu trữ tài liệu chủ yếu là để bảo quản an toàn tài liệu, không để hư hỏng mất mát tài liệu mà không nghĩ rằng nó còn là nguồn thông tin để phục vụ cho nhu cầu khai thác của cán bộ công chức trong cơ quan, những đơn vị, cá nhân có nhu cầu nên không mở rộng cho các đối tượng độc giả, đối tượng bên ngoài khai thác, chưa quan tâm đầu tư cho công tác tuyên truyền, giới thiệu tài liệu lưu trữ. Tóm lại, cần từng bước thay đổi trong suy nghĩ, tư duy, quan điểm của mỗi cá nhân góp phần đổi mới toàn diện ngành Giáo dục.

 

     Sở Giáo dục và Đào tạo luôn rộng cửa chào đón phục vụ những cá nhân, đơn vị có nhu cầu khai thác tài liệu về các vấn đề như: Thẩm định danh sách tốt nghiệp vào thời gian cụ thể, cấp lại bản sao các văn bằng, chứng chỉ, các thông tin về thi đua - khen thưởng các năm,...

 

     Để làm tốt khâu khai thác tài liệu lưu trữ cần đưa công nghệ thông tin, phần mềm quản lý và tra tìm tài liệu lưu trữ vào sử dụng sẽ mang lại hiệu quả hơn.

 

     Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị không chỉ dừng lại ở việc mở các lớp tập huấn mà cần tuyên truyền, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để làm tốt các nghiệp vụ trong công tác lưu trữ trong đó quan trọng là đưa vào khai thác sử dụng để những tài liệu lưu trữ phát huy đúng giá trị của chúng, phục vụ cho công cuộc đổi mới giáo dục. Thông qua các hoạt động này, góp phần hình thành nên một thế hệ công dân biết đến và sử dụng thường xuyên tài liệu lưu trữ như một nguồn thông tin quá khứ quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

     3. Kết luận

 

     Để đưa công tác lưu trữcơ quan đi vào nề nếp, mang lại hiệu quả trong công cuộc nghiên cứu đổi mới giáo dụcvà đạt được những bước tiến dàithì rất cần sự thay đổi nhận thức củamỗi cán bộ, công chức, đặc biệt là cấp lãnh đạo các cơ quan, đơn vị;cần sự chung tay, góp sức và sự đánh giá, ghi nhận khách quan của cả tập thể, đừng vì những nhận thức chưa đúng mà xem nhẹ công tác này.

 

     Ngoài việc bảo quản an toàn tài liệu, bảo mật thông tin trong tài liệu lưu trữ, cần quan tâm đến công tác phục vụ khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ, để phục vụ nghiên cứu đổi mới giáo dục.Muốn vậy cơ quan lưu trữ cần quan tâm đầu tư nghiên cứu, tìm tòi các biện pháp tạo ra cơ hội và điều kiện tốt nhất để độc giả có thể thuận tiện trong việc tiếp cận, khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ, phát huy tốt những giá trị của tài liệu lưu trữ phục vụ nhu cầu xã hội, góp phần vào việc đổi mới giáo dục hiện nay./.


Sở Giáo dục và Đào tạo  (Cập nhật ngày 05-08-2014)  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
Văn phòng điện tử IDesk
Công dân hỏi, giám đốc sở trả lời
Tra cứu Hồ sơ đi B
Công khai tài chính
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập108
  • Hôm nay360
  • Tháng hiện tại19,241
  • Tổng lượt truy cập1,870,308
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây