GIÁ TRỊ TÀI LIỆU LƯU TRỮ VIỆT NAM CỘNG HÒA 1955 – 1975 PHỤC VỤ TRONG NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Thứ ba - 11/06/2019 07:08 1.591 0
Tài liệu lưu trữ Việt Nam Cộng hòa giai đoạn 1955 – 1975
 

    Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm đã để lại nhiều kinh nghiệm có giá trị lịch sử và thực tiễn sâu sắc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Bình Định, một lần nữa khẳng định sức mạnh to lớn của toàn dân, là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện về quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, với tinh thần tự lực, tự cường; đồng thời có sự chi viện, hỗ trợ của Trung ương và các tỉnh lân cận và trong cả nước.

    

     Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, việc quản lý hồ sơ, tài liệu của các cơ quan thuộc chính quyền cũ tỉnh Bình Định trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác lưu trữ của địa phương. Trong quá trình hoạt động, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã để lại một khối lượng tài liệu tương đối lớn tại các tỉnh nói chung, trong đó có tỉnh Bình Định giai đoạn 1955 – 1975. Tài liệu này đang được lưu giữ, bảo quản trong kho lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định.

 

     Thời gian của tài liệu, chủ yếu tài liệu có từ 1954 – 1975, thuộc thời kỳ Việt Nam Cộng hòa như: Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa (1954 – 1975); Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia (1965 – 1967); Hội đồng An ninh Phát triển (1965 – 1975); Phủ Tổng thống Đệ nhị Cộng hòa (1967 – 1975); Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa (1954 – 1963); Bộ Công chánh và Giao thông (1973 – 1975); Bộ Giao thông Vận tải (1966 – 1968); Bộ Giao thông và Bưu điện (1969 – 1973); Bộ Công chánh (1969 – 1973); Bộ Giao thông Vận tải (1968 – 1969); Bộ Phát triển Sắc tộc (1957 – 1975) và Phủ Quốc vụ Khanh đặc trách văn hóa (1968 – 1973).

 

Đồng chí Bí thư, Nguyễn Trung Tín đọc diễn văn tại Mít-tinh chào mừng giải phóng tỉnh Bình Định

 

      Số lượng của tài liệu của thời kỳ Việt Nam Cộng hòa tại Bình Định được lưu giữ, bảo quản 12 mét; trong đó đã chỉnh lý hoàn chỉnh thành hồ sơ 128 đơn vị bảo quản; có 58 tờ bản đồ và 95 bản đồ thuộc Bộ sưu tập bản đồ của thời kỳ Việt Nam Cộng hòa.

 

     Về nội dung của tài liệu lưu trữ của thời kỳ Việt Nam Cộng hòa chủ yếu là những văn bản quản lý hành chính do các cơ quan chính quyền của Mỹ ngụy soạn thảo và ban hành nên phản ảnh hầu hết các vấn đề của xã hội thời kỳ Việt Nam Cộng hòa trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, ngoại giao như: Kế hoạch chiêu hồi đặc biệt của tỉnh Bình Định năm 1971; xây dựng Vùng I, II chiến thuật tại Quy Nhơn năm 1965; mở rộng Cảng Quy Nhơn (1964 – 1965); mở rộng thị xã Quy Nhơn (1965 – 1968); thiết lập phi trường Quy Nhơn (1955 – 1964); bệnh viện…;

 

     Về địa giới hành chính bao gồm: Thành lập, sáp nhập, phân chia, điều chỉnh ranh giới một số quận, xã, thôn thuộc tỉnh Bình Định. Trong bản đồ hành chính về các quận, huyện, thị xã của tỉnh Bình Định thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ.

 

     Tài liệu đã được chỉnh lý hoàn chỉnh và lập ra các hồ sơ cụ thể như: Báo cáo về thông tin tuyên truyền, công dân vụ, cải cách điền địa, tuyển cử của tỉnh Bình Định năm 1955; Tờ trình nguyệt để của tỉnh Bình Định từ 1965 – 1970; tài liệu của Hội đồng Dân Quân, Bộ Y tế, Bộ Phát triển sắc tộc về các chuyến kinh lý viếng thăm các tỉnh Vùng II Chiến thuật năm 1964 – 1974; tập Biên bản Đại hội, Hội nghị thường lệ của tỉnh Bình Định 1967 – 1975; Hồ sơ về dự án xây dựng kho đạn Đèo Son Quy Nhơn, Bình Định năm 1964; hồ sơ về hoạt động chống đội nội các chiến tranh của Phật giáo, các đoàn thể chính trị tại tỉnh Bình Định 1966; Hồ sơ về Quân đội Đại Hàn bắt giam và bắn chết thường dân tại tỉnh Bình Định 1968 – 1969; tập kiến nghị của Đoàn thể, nhân dân vùng II chiến thuật lên án Trung Cộng xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 v.v…

 

 

     Số lượng tài liệu Việt Nam Cộng hòa đang bảo quản tại địa phương

 

 

 

     Hiệu quả nguồn tài liệu lưu trữ Việt Nam Cộng hòa phục vụ nghiên cứu quản lý nhà nước và nghiên cứu khoa học 

 

Triển khai kế hoạch tác chiến của chiến dịch Xuân - Hè 1972 tại tỉnh Bình Định (ảnh tư liệu).

 

     Giá trị tài liệu chỉ được phát huy khi chúng được đưa ra phục vụ một cách có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của nhà nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giáo dục truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ mai sau và làm rạng rỡ thêm hình ảnh của đất nước đối với thế giới, đồng thời phục vụ những lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Do đó, việc tổ chức sử dụng tài liệu lưu trữ Việt Nam Cộng hòa như thế nào để phát huy hết giá trị tài liệu phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước và các mục đích khác là công tác hết sức cần thiết của các lưu trữ lịch sử.

 

     Trong những năm qua, Chi cục Văn thư – Lưu trữ tỉnh đã tổ chức thực hiện đồng bộ các hình thức tổ chức sử dụng tài liệu. Tài liệu lưu trữ Việt Nam Cộng hòa, dưới nhiều góc độ và phương diện được nghiên cứu sử dụng đã phát huy giá trị vốn có của nó và đã đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

     Hiệu quả trong lĩnh vực chính trị của địa phương

 

     Tài liệu lưu trữ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) là bằng chứng, chứng cứ giải quyết tranh chấp địa giới hành chính giữa các xã thuộc huyện; tranh chấp địa giới hành chính giữa các huyện thuộc tỉnh; hồ sơ về cuộc biểu tình phản đối của sinh viên trong vụ binh sĩ Hoa Kỳ bắn chết Nguyễn Văn Minh, học sinh trường Trung học Tây Sơn – Quy Nhơn, Bình Định năm 1970 – 1971; hồ sơ về vụ biến động chính trị xảy ra tại các tỉnh miền Trung 1966; Hoạt động an ninh, quân sự (hồ sơ Việt Cộng tấn công các đồn xã thuộc tỉnh Bình Định năm 1961; tập công văn lưu của tỉnh Bình Định về tình hình an ninh, quân sự, chính trị tại tỉnh năm 1961; Công điện của tỉnh Bình Định về việc đồng bào địa phương biểu tỉnh phản đối Ngụy quyền Việt Cộng sát hại sinh viên Bắc Việt vượt tuyến tìm tự do năm 1956; Hồ sơ về việc bầu cử dân biểu Quốc hội thay thế biểu từ chức tại đơn vị VII tỉnh Bình Định; Báo cáo hoạt động tháng, từ tháng 01-12/1961 của tỉnh Bình Định, Khánh Hòa; Kế hoạch tấn công Việt cộng  và bình định lãnh thổ tỉnh Bình Định năm 1961; Hồ sơ về việc Việt cộng tấn công các đồn xã thuộc tỉnh Bình Định năm 1961; Tập Công văn của tỉnh Bình Định về tình hình an ninh, quân sự, chính trị tại tỉnh năm 1961; Tập Công điện của Tham mưu Biệt hộ, tỉnh Bình Định về tình hình an ninh, quân sự, chính trị tại tỉnh năm 1961; Hồ sơ về việc kế hoạch, thiết lập và tổ chức thực hiện ấp chiến lược tỉnh Bình Định năm 1962; Tài liệu về hoạt động của tỉnh Bình Định năm 1968; Hồ sơ về chiến dịch thừa thắng xong lên “tái chiếm các vùng Cộng sản chiếm đóng” năm 1972-1973. Tập 3: Mặt trận Hoài Nhơn( Bình Định); Hồ sơ  về việc bầu cử bán phần thượng nghị viện ngày 26-8-1973. Tập 22: Bầu cử tại Bình Định và thị xã Qui Nhơn; Hồ sơ về hoạt động chống đối Nội các Chiến tranh của phật giáo các đoàn thể chính trị tại tỉnh Bình Định năm 1966;Hồ sơ về việc quân đội nhân Đại Hàn bắt giam và bắn chết thường dân tại tỉnh Bình Định năm 1968-1969; Hồ sơ về lập trường hòa bình của Dân biểu Ngô Công Đức năm 1970-1971. Tập 2: Kiến nghị phản đối của các tỉnh vùng I-II chiến thuật; Hồ sơ về việc quân nhân Hoa Kỳ nổ súng bừa bãi gây tử thương cho học sinh và cuộc biểu tình phản đối của sinh viên, học sinh tại Bình Định năm 1971; Hồ sơ về vụ biến động chính trị xảy ra tại các tỉnh miền Trung năm 1966. Tập 2: Báo cáo của các tỉnh).

 

      Ngoài ra, tài liệu lưu trữ còn là nguồn thông tin đáng tin cậy phục vụ đắc lực cho công tác bảo vệ chính trị nội bộ của tỉnh; tài liệu lưu trữ đã khai thác, xác minh hàng trăm hồ sơ của cán bộ, công chức, viên chức mang khai lý lịch có liên quan tham gia chế độ Việt Nam Cộng hòa.

 

     Về chính sách cai trị, phương thức điều hành, quản lý các mặt của chế độ Việt Nam Cộng hòa (nghiên cứu hồ sơ về tình hình an ninh tại tỉnh Bình Định 1968 – 1975).

 

     Hiệu quả trong lĩnh vực kinh tế

 

     Các mặt kinh tế tại tỉnh Bình Định (hồ sơ cải biến các nha đại diện hành chính An Lão, Vân Canh và Vĩnh Thạnh thuộc tỉnh Bình Định thành quận hành chánh năm 1958; hồ sơ sửa đổi ranh giới giữa hai quận Vĩnh Thạnh – Bình Khê thuộc tỉnh Bình Định và lập xã mới Phùng Thiện tại quận Vĩnh Thạnh năm 1963; Hồ sơ về việc công tác xây dựng khu hàng hải Túy Vân tại Qui Nhơn năm 1957; Hồ sơ về việc xây dựng chợ Qui Nhơn năm 1958; Hồ sơ về việc thiết lập nha phái viên hành chánh Kamack tại quận An túc, tỉnh Bình Định; Tập tài liệu của Nha Tổng Giám đốc Kiến thiết và thiết kế đô thị về việc kiến thiết thị xã Qui Nhơn, tỉnh Bình Định năm 1959-1960; Hồ sơ về việc xây cất và khai thác chợ Trung ương Qui Nhơn năm 1971 – 1974; Hồ sơ về việc ấn định thủy phận các thương cảng Đà Nẵng và các hải cảng Qui Nhơn, Nha trang, Ba Ngòi, Cam Ranh năm 1973-1974; Hồ sơ về việc mua đất để nới rộng phi trường Qui Nhơn thuộc tỉnh Bình Định năm 1971 – 1974; Hồ sơ về việc thiết lập ngư cảng Qui Nhơn năm 1955-1965; Hồ sơ về việc trùng tu và mở mang hải cảng Qui Nhơn năm 1955-1965…)

 

     Vấn đề về chế độ điền thổ, địa giới, lập mới, tách sáp nhập các làng xã (hồ sơ thành lập, sáp nhập, phân chia, điều chỉnh ranh giới một số xã, quận thuộc tỉnh, thị xã thuộc quân khu II và đề nghị chia tỉnh Bình Định thành hai tỉnh mới năm 1968 – 1974; Hồ sơ về việc thành lập quận An Túc thuộc tỉnh Bình Định năm 1958; Hồ sơ về việc tách xã Tam Quan thuộc quận Hoài Nhơn tỉnh Bình Định thành lập xã mới lấy tên là xã Đức Hựu năm 1962-1963; Hồ sơ về dự án nới rộng thị xã Qui Nhơn năm 1966-1968…)

 

     Hiệu quả trong lĩnh vực văn hóa – xã hội

 

     Tài liệu lưu trữ thường xuyên được độc giả khai thác và sử dụng trong việc nghiên cứu văn hóa – xã hội; hồ sơ về dự án mở rộng thị xã Quy Nhơn 1965 – 1968; hồ sơ thị xã Quy Nhơn xin cấp ngân khoản để tái thiết chợ Quy Nhơn năm 1974; hồ sơ về Phật giáo quận Hoài Nhơn – Bình Định bị chính quyền cản trở hành đạo và khủng bố năm 1964; tài liệu thuyết trình của tỉnh Bình Định về kết quả chương trình xây dựng nông thôn năm 1968; Hồ sơ về việc xây dựng hai trường tiểu học ở Qui Nhơn năm 1957; Hồ sơ về việc công tác xây dựng trường Trung học Cường Đễ (đơt 1) năm 1958; Tập thảo luận của Tổng thư ký hội đồng tỉnh Bình Định( Qui Nhơn) trình bày công đức của Thái Phó Lê Chất để ghi ơn lập đền thờ và lấy tên đặt cho trường Trung học Phù Mỹ năm 1974; Hồ sơ về việc thiết lập Viện Đại học Cộng đồng Qui Nhơn năm 1973-1975; Hồ sơ về việc ông Ngô Tâm Lý, trường tư thục Lập Nhân, 14 Đào Duy từ, Qui Nhơn xin Phủ Văn Hóa ấn hành bản dịch “ Tiểu sử Tổng thống Tưởng Giới Thạch” năm 1972-1973…

 

     Hiệu quả trong nghiên cứu khoa học ở địa phương

 

     Tài liệu lưu trữ Việt Nam Cộng hòa chứa đựng nguồn thông tin quá khứ quý giá, phong phú, có độ tin cậy cao, phản ảnh một cách toàn diện, trung thực mọi mặt của đời sống xã hội, có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (Báo cáo của tỉnh Bình Định về tình hình phát triển cộng đồng trong các xã năm 1956 – 1957).

 

     Ngoài ra, tài liệu phục vụ cho lĩnh vực viết lịch sử và giảng dạy các lĩnh vực thuộc khoa học xã hội; Chi cục Văn thư – Lưu trữ cũng đã có nhiều biện pháp để tạo điều kiện cho độc giả thuận lợi hơn cho việc tiếp cận và khai thác tài liệu; đã sử dụng nhiều hình thức tổ chức sử dụng tài liệu lưu trữ, như phục vụ độc giả trong và ngoài tỉnh tại phòng đọc, cấp bản sao, chứng thực tài liệu lưu trữ, trưng bày triển lãm tài liệu lưu trữ và công bố, giới thiệu tài liệu đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm phim phóng sự,… phục vụ một số lượng khá lớn độc giả đến nghiên cứu tài liệu với các mục đích nghiên cứu và nội dung đề tài nghiên cứu khác nhau, cụ thể: Luận án Tiến sĩ, Luận văn thạc sĩ; phục vụ các công trình nghiên cứu lịch sử; làm phim; phục vụ các công trình xây dựng; phục vụ các nghiên cứu khác.

 

     Số lượng người đến khai thác

 

 

     Những kiến nghị và giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ Việt Nam Cộng hòa trong việc nghiên cứu khoa học, đặc biệt là việc nghiên cứu khoa học lịch sử

 

     Hiện nay, ở Việt Nam có bốn Trung tâm Lưu trữ Quốc gia và 63 Chi cục Văn thư – Lưu trữ tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương là lưu trữ lịch sử theo quy định của pháp luật. Đây là hệ thống các cơ quan lưu trữ được thiết lập để thu thập các lưu trữ cơ quan, tổ chức và tổ chức khoa học lựa chọn những tài liệu có giá trị lịch sử để nộp vào lưu trữ lịch sử các cấp, trong đó có nguồn tài liệu lưu trữ Việt Nam Cộng hòa nhằm phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học... Ngoài ra, trong các gia đình, dòng họ và mỗi cá nhân, nhiều tài liệu lưu trữ có liên quan Việt Nam Cộng hòa cũng đang được bảo quản và lưu giữ.

 

     Với cơ sở trên, Chi cục Văn thư – Lưu trữ đưa ra một số giải pháp chủ yếu nhằm phát huy giá trị tài liệu lưu trữ Việt Nam Cộng hòa, nội dung các giải pháp cụ thể như sau:

 

     Một là, nâng cao hơn nữa nhận thức chung của toàn xã hội và trách nhiệm của lưu trữ lịch sử địa phương đối với việc phát huy giá trị tài liệu lưu trữ Việt Nam Cộng hòa phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

     Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, lưu trữ lịch sử của địa phương không chỉ chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, chủ động lựa chọn những tài liệu lưu trữ có giá trị và mang tính điển hình để công bố, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…để thu hút sự quan tâm, chú ý của các cơ quan, tổ chức, các nhà nghiên cứu và nhân dân đối với kho lưu trữ lịch sử của tỉnh đang bảo quản một khối lượng tài liệu của Việt Nam Cộng hòa.

 

     Hai là,tăng cường công tác sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ tại các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện đang bảo quản tài liệu lưu trữ Việt Nam Cộng hòa có liên quan đến tỉnh Bình Định và các gia đình, dòng họ và mỗi cá nhân, nhiều tài liệu lưu trữ có liên quan Việt Nam Cộng hòa cũng đang được bảo quản và lưu giữ.

 

     Ba là,hoàn thiện công cụ tra cứu, đẩy mạnh phục vụ có hiệu quả việc khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ Việt Nam Cộng hòa đang bảo quản tại Chi cục Văn thư – Lưu trữ tỉnh Bình Định.

 

     Bốn là, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ nhất là công nghệ thông tin trong công tác lưu trữ, nhanh chóng đưa vào khai thác sử dụng trên mạng thông tin diện cục bộ và mạng thông tin diện rộng của Chi cục; phấn đấu đưa Chi cục Văn thư – Lưu trữ tỉnh Bình Định là một trong những điểm đến của công chúng, nơi cung cấp đầy đủ những thông tin theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức nhà nước, các nhà nghiên cứu và công dân đối với tài liệu lưu trữ Việt Nam Cộng hòa trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử; nhất là tạo một môi trường giao tiếp thân thiện với các giới khoa học trong và ngoài tỉnh nghiên cứu tiếp cận tài liệu này.

 

     Tài liệu lưu trữ Việt Nam Cộng hòa được đánh giá có vai trò, vị trí và ý nghĩa rất lớn của công tác nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Do vậy, điều mong muốn của những người làm công tác lưu trữ là làm hết sức mình để không ngừng nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ. Đó là mục đích cuối cùng và là mục đích cao nhất của những người làm công tác lưu trữ lịch sử các cấp./.


Minh Lý - Minh Ngân  (Cập nhật ngày 27-05-2014) 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
Văn phòng điện tử IDesk
Công dân hỏi, giám đốc sở trả lời
Tra cứu Hồ sơ đi B
Công khai tài chính
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập162
  • Hôm nay422
  • Tháng hiện tại19,303
  • Tổng lượt truy cập1,870,370
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây