Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “ Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ Khai thác và sử dụng tài liệu Lưu trữ Lịch sử tỉnh”.

Thứ ba - 22/10/2019 21:03 1.283 0

     Đây là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan lưu.

     Trước hết,
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân được xuất phát từ những bài học lớn được rút ra từ chiều sâu của lịch sử dân tộc như Nguyễn Trãi đã kết luận: “Lật thuyền mới rõ dân như nước”Theo Hồ Chí Minh, người cách mạng “yêu nước” là phải “thương dân”, “trung với nước” là phải “hiếu với dân”. Tôn trọng Nhân dân phải có thái độ đánh giá đúng vai trò, vị trí của Nhân dân. Theo Người, “vô luận việc gì đều do người làm ra, từ nhỏ đến to, từ gần đến xa đều thế cả”. Người chỉ ra rằng: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ…”;  “nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng… Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.  Bàn về chữ “Nhân”, Hồ Chí Minh cho rằng “Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.

     Muốn thật sự tôn trọng Nhân dân thì phải hiểu dân. Được lòng dân thì ta không sợ gì cả, chính tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân, sự  khôn khéo, hăng hái, anh hùng đã tạo nên “cái gốc” của dân. Kế thừa quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”.  Mặt khác phải thấy rằng dân chúng tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong”. Cùng với thái độ đánh giá đúng vai trò của Nhân dân, ý thức tôn trọng Nhân dân còn phải đặc biệt chú ý không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, không xúc phạm Nhân dân, phải luôn tôn trọng và giữ gìn của công,  của Nhân dân. . Làm được như vậy thì dân tin, gốc vững, mà “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
     - Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức tôn trọng Nhân dân: Ý thức tôn trọng Nhân dân ở khía cạnh đạo đức cần phải khai thác ở việc coi trọng, đề cao Nhân dân như Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”. Tôn trọng Nhân dân trong đạo đức Hồ Chí Minh là đề cao ý dân, sức dân, bởi “dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Vì vậy, “đối với dân ta đừng có làm điều gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”. Người đã suốt đời không mệt mỏi tự rèn mình làm tấm gương để giáo dục động viên cán bộ, đảng viên hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, yêu kính Nhân dân, thật sự tôn trọng Nhân dân.

     Từ đó, ta thấy nổi lên ở Hồ Chí Minh một tấm lòng yêu thương vô hạn đối với con người, một niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh và phẩm giá con người, một ý chí kiên quyết đấu tranh để giải phóng con người khỏi áp bức, bất công, đói nghèo, lạc hậu. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, cũng như trong đời sống hàng ngày của mình, Hồ Chí Minh luôn đối xử với người có lý, có tình, dành tình yêu thương đó cho mọi người, không quên sót một ai, lo lắng chu đáo cho mỗi người việc làm, đời sống và học tập, vừa nghiêm khắc đòi hỏi, vừa thương yêu dìu dắt… Đối với những người lầm đường, lạc lối, lòng Hồ Chủ tịch còn rộng hơn biển cả, Người dạy phải khoan hồng, vui mừng đón rước những đứa con vì cảnh ngộ mà lạc bầy. Bác nói rằng: “Người Việt Nam ai cũng yêu nước, muốn nước thống nhất độc lập, ta khéo nhen chút than hồng ấy, nó sẽ cháy lên thành ngọn lửa” và chính ngọn lửa đó đã tạo nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam, ngọn lửa được tạo nên từ tư tưởng và đạo đức vĩ đại của Người.

     - Phong cách Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân xuất phát một cách tự nhiên từ nhân cách, cuộc đời, cái tâm, cái đức vì nước, vì dân của Người. Hồ Chí Minh là con người sinh ra từ Nhân dân. Người thường nói không có Nhân dân thì không có Bác. Hồ Chí Minh có trái tim đập cùng nhịp, có tâm hồn biết xót xa đến thân phận của những người cùng khổ, của Nhân dân. Chính phong cách tôn trọng Nhân dân ở Người đã tạo ra một nhân cách lớn của Hồ Chi Minh.

     Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ: Phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử, phong cách sống. Đặc biệt là phong cách về tôn trọng Nhân dân. Người chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình mình. Theo Hồ Chí Minh, lãnh đạo quần chúng, đồng thời không ngừng học hỏi quần chúng, vì “quần chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta”; tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng theo tinh thần lãnh đạo là đầy tớ, quần chúng là chủ. Người không bao giờ tự đặt mình cao hơn người khác để đòi hỏi một sự tâng bốc, suy tôn; không bao giờ tỏ ra vĩ đại để đòi hỏi Nhân dân thừa nhận mình là vĩ đại. Hồ Chí Minh có cách giao tiếp hoàn toàn mới giữa lãnh tụ và quần chúng  Nhân dân, thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng con người. Bằng sự độ lượng, khoan dung, nhân hậu, luôn hết mực vì con người.

     - Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ khai thác và sử dụng tài liệu Lưu trữ lịch sử tỉnh tại Chi cục Văn thư – Lưu trữ

     * Sơ nét về tình hình tài liệu Lưu trữ lịch sử tỉnh

     Tài liệu lưu trữ là di sản văn hóa của dân tộc, là tài sản đặc biệt của Quốc gia, tài liệu lưu trữ chứa đựng những thông tin phong phú, có độ tin cậy cao, phản ánh một cách toàn diện, trung thực mọi mặt của đời sống xã hội, có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm và có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan lưu trữ đẩy mạnh công tác tổ chức khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ, coi mục đích cuối cùng của công tác lưu trữ là đưa tài liệu lưu trữ phục vụ tốt nhất cho mọi yêu cầu, nghiên cứu sử dụng tài liệu của xã hội. Thực hiện chức năng quản lý tài liệu lưu trữ lịch sử, hàng năm Chi cục Văn thư – Lưu trữ tham mưu Sở Nội vụ tiến hành thu thập tài liệu của các cơ quan, đơn vị thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử. Đến nay, Chi cục đang lưu giữ và  bảo quản 163 phông lưu trữ, với khoảng gần 3000 mét giá tài liệu của 462 nguồn nộp lưu, tài liệu được thể hiện trên các vật mang tin khác nhau, như: giấy, phim ảnh, băng từ,… được sản sinh trong quá trình hoạt động của các cơ quan tổ chức; các cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu; phản ánh toàn bộ đời sống kinh tế – chính trị – văn hóa, xã hội của tỉnh từ thế kỷ XIX đến nay. Đây là khối tài liệu lớn, quan trọng và có giá trị trong kho Lưu trữ lịch sử tỉnh và là một trong những nguồn di sản quý báu của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và cho tỉnh nhà nói riêng. Có thể khẳng định, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ vừa là mục tiêu của công tác lưu trữ và cũng là kết quả phản ánh hiệu quả của công tác lưu trữ, bên cạnh đó công tác bảo quản, giữ gìn tài liệu sau khi khai thác, sử dụng được thực hiện nghiêm theo quy định,  mặc dù tài liệu được đưa ra phục vụ thường xuyên, rộng rãi nhưng vẫn đảm bảo bí mật và an toàn, đáp ứng phần nào nhu cầu thông tin của các đối tượng độc giả, góp phần đáng kể vào việc tuyên truyền ý nghĩa, vai trò, vị trí của công tác lưu trữ đối với xã hội.

     * Những kết quả trong khai thác và sử dụng tài liệu Lưu trữ lịch sử tỉnh

     -  Để những tài liệu này phát huy được giá trị, trong những năm qua Chi cục luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đặc biệt làm tốt công tác tổ chức khai thác, sử dụng và bảo quản tài liệu lưu trữ như: Phục vụ sử dụng tài liệu tại phòng đọc; Công bố giới thiệu tài liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng; Cung cấp bản sao và chứng thực tài liệu lưu trữ; tổng hợp, thống kê hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B và thực hiện trao trả cho 11 huyện, thị xã, thành phố …Trong các hình thức tổ chức khai thác, sử dụng nêu trên, việc cung cấp bản sao và bản chứng thực lưu trữ là hình thức được tiến hành thường xuyên và phổ biến nhất, giúp cho các cơ quan và cá nhân xác minh được vấn đề đã xảy ra trong quá khứ, nhưng bị mất chứng cứ, cần phải dựa vào tài liệu lưu trữ làm bằng chứng; hình thức này cũng có thể cung cấp tài liệu phục vụ công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị, các cơ quan quản lý nhà nước để nghiên cứu, tham khảo đề ra các quyết định quản lý, viết báo cáo, xây dựng kế hoạch công tác, cung cấp tài liệu cho việc nghiên cứu tổng hợp, rút kinh nghiệm công tác; cung cấp nguồn tư liệu chính xác để nghiên cứu lịch sử địa phương, lịch sử hoạt động của các cấp, các ngành và đến tận người dân để làm các chế độ chính sách (thành tích khen thưởng trong kháng chiến, quyết định phục viên,……), cũng như các giấy tờ liên quan về nhà , đất của hộ gia đình, các giấy tờ liên quan đến tổ chức, cá nhân  và các nhu cầu chính đáng khác  công dân.

     - Trong quá trình khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ, đối tượng độc giả đến Chi cục chiếm phần lớn là những lão thành cách mạng, những gia đình có công đóng góp giúp đỡ cách mạng, thân nhân của những người đã có công bảo vệ đất nước, hy sinh vì đất nước. Họ đến để tìm lại những di vật những kỷ niệm còn lại của một thời mà đối với họ đó là những ký ức vẻ vang, đầy tự hào. Chính vì điều đó, công chức, viên chức tại Chi cục luôn nhận thức được ý nghĩa lớn lao trong công việc của mình, đáp ứng  và phục vụ được yêu cầu của nhân dân hàng ngày khi đến tra tìm, khai thác tài liệu. Để làm tốt nhiệm vụ được giao: Trong giải quyết công việc không nhất thiết chỉ bộ phận khai thác mà tất cả công chức, viên chức luôn có thái độ lịch sự, ân cần, vui vẻ, tôn trọng và hướng dẫn tận tình, chu đáo về các quy định của Nhà nước trong việc khai thác, sử dụng tài liệu Lưu trữ lịch sử tỉnh đã giúp cho tổ chức, công dân thực hiện đúng và không đi lại nhiều lần, nhất là đối với bà con nhân dân ở các huyện miền núi, xã đảo trong tỉnh. Đồng thời, để thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính Chi cục đã ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác, tra tìm hồ sơ, tài liệu được thực hiện kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả. Nhờ đó mà trong những năm qua đơn vị luôn đem lại sự hài lòng và để lại những tình cảm tốt đẹp của tổ chức, công dân trong và ngoài tỉnh khi đến Chi cục khai thác; đặc biệt là đối với nguồn tài liệu về các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người có công cách mạng hoặc thân nhân được hưởng (Huân, Huy chương kháng chiến, gia đình có công cách mạng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, tù đày, khen thưởng….) và các chế độ chính sách khác liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân.

     Với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, trong những năm qua Chi cục luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đáp ứng yêu cầu về khai thác và sử dụng tài liệu Lưu trữ lịch sử tỉnh đối với tổ chức, công dân; góp phần cùng với Đảng bộ Sở hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong việc xây dựng, củng cố vững chắc cho "thế trận lòng dân", để gìn giữ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân ngày càng bền chặt.

     - Một số giải pháp trong thời gian tới

     Qua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, Chi cục xin đề xuất một số giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, cụ thể:
         
     1. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của Chi cục, tổ chức trưng bày triễn lãm, công bố, giới thiệu tài liệu lưu trữ nhân các sự kiện trọng đại của tỉnh để nâng cao nhận thức của toàn xã hội và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, địa phương về vai trò, ý nghĩa, giá trị của tài liệu lưu trữ , góp phần quan trọng của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

         
     2. Tăng cường công tác giáo dục công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là thái độ, phong cách làm việc, ý thức tôn trọng phục vụ nhân dân trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.

         
     3. Thực hiện tốt công tác tu bổ phục chế, chỉnh lý tài liệu, công nghệ thông tin để sử dụng hiệu quả song song giữa 02 hình thức khai thác, sử dụng tài liệu Lưu trữ lịch sử tỉnh tại Phòng đọc và khai thác, sử dụng tài liệu được số hóa phục vụ khai thác trực tuyến mức độ 3.

         
     4. Chủ động tham mưu Sở Nội vụ xây dựng ban hành quy trình, quy chế khai thác, sử dụng tài liệu số hóa phục vụ khai thác trực tuyến để tổ chức, nhân dân dễ thực hiện và khai thác có hiệu quả. Đồng thời có thông báo gửi đến các cơ quan, tổ chức, địa phương cũng như đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Chi cục để tổ chức, nhân dân biết trong việc khai thác, sử dụng tài liệu được số hóa phục vụ khai thác trực tuyến trong và ngoài tỉnh.


     Học tập và làm theo Bác, đây là kim chỉ nam cho hành động của mỗi chúng ta, là mục tiêu phấn đấu của cán bộ, đảng viên, CCVC phải thường xuyên trong trau dồi tư tưởng, đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong làm việc gắn với nhiệm vụ của mình để giải quyết công việc được thấu đáo, kịp thời, đúng pháp luật – đó chính là tôn trọng nhân dân. Đồng thời, thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đảng viên, CCVC trong Chi bộ, đơn vị; có như vậy mới tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước./.

Tác giả bài viết: Lê Xuân Cẩm, Phó Chi cục trưởng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
Văn phòng điện tử IDesk
Công dân hỏi, giám đốc sở trả lời
Tra cứu Hồ sơ đi B
Công khai tài chính
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập159
  • Hôm nay498
  • Tháng hiện tại19,379
  • Tổng lượt truy cập1,870,446
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây