Phát huy hiệu quả giá trị tài liệu lưu trữ trong công tác khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ lịch sử tại Trung tâm

Thứ ba - 11/07/2023 15:15 737 0
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác Văn thư - Lưu trữ
     Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người anh hùng dân tộc vĩ đại với tấm gương đạo đức sáng ngời mà còn là một nhà văn hóa kiệt xuất, một nhà tư tưởng lỗi lạc. Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn luôn quan tâm đến công tác văn thư, lưu trữ - một trong những công cụ của nền hành chính Nhà nước.
     Ngày 03/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký bản Thông đạt số 1C/VP nhằm  khẳng định giá trị và ý nghĩa đặc biệt to lớn của những “công văn và hồ sơ cũ” (tài liệu lưu trữ) về phương diện kiến thiết quốc gia và cần phải được gìn giữ đồng thời phải được quản lý, bảo quản tập trung tại một cơ quan: “Xét rằng một vài công sở đã tự tiện hủy bỏ hay bán các công văn và hồ sơ cũ. Hành động ấy có tính cách phá hoại vì sẽ làm mất những tài liệu có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia. Vậy yêu cầu các ông Bộ trưởng ban chỉ thị cho các nhân viên các sở phải giữ gìn tất cả các công văn, tài liệu và cấm không được hủy những công văn tài liệu ấy, nếu không có lệnh trên rõ rệt cho phép hủy bỏ. Xin nhắc rằng những hồ sơ hoặc công văn không cần dùng sau này sẽ phải gửi về những sở lưu trữ công văn thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục để tàng trữ. Những viên chức không tuân lệnh này sẽ bị nghiêm trị”. Thông đạt đã đặt cơ sở nền móng cho hoạt động công tác lưu trữ của nước ta.
     Trong những năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám, nhằm chuẩn bị sưu tầm tài liệu phục vụ việc soạn thảo văn bản có tính chất pháp lý cao nhất- Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 28/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Thông tư số 9, trong đó quy định: “ Các vị đại biểu Quốc hội trong Ban thường trực và Tiểu ban Hiến pháp có nhiều khi phải trực tiếp với các bộ hay các sở phụ thuộc để sưu tầm tài liệu”.
     Cùng với hoạt động, vận hành của các cơ quan Nhà nước, số hồ sơ, tài liệu sản sinh ngày càng nhiều; trước tình hình đó, ngày 4/9/1962, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 120/CP thành lập Cục Lưu trữ thuộc Phủ Thủ tướng (nay là Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) để giúp Hội đồng Chính phủ quản lý công tác lưu trữ của Nhà nước và trực tiếp quản lý Kho Lưu trữ Trung ương. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nâng cao hiệu quả quản lý công văn, hồ sơ, tài liệu trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nội dung của Thông đạt. Mặt khác, với những đóng góp to lớn của ngành Lưu trữ trong sự nghiệp “kiến thiết quốc gia”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ngày 17/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1229/QĐ-TTg lấy ngày 03/01 hàng năm là Ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam.
     Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho công tác Lưu trữ Việt Nam mở đường cho sự phát triển của Ngành Lưu trữ Việt Nam đến ngày nay.
     Trong những năm qua, công tác  bảo quản và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ đã được đề cập  trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam – Đại hội mở đầu cho thời kỳ đổi mới, Đảng ta chính thức giao nhiệm vụ cho các ngành, các cấp phải: “Tổ chức tốt công tác lưu trữ, bảo quản an toàn và sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ quốc gia”. Trong Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (2006) Đảng đã xác định nhiệm vụ của ngành lưu trữ là “Bảo vệ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ”. Để thực hiện chủ trương trên, ngày 02/3/2007 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/2007/CT-TTg về việc tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; đặc biệt, ngày 11/11/2011, Quốc hội thông qua Luật Lưu trữ số: 01/2011/QH13, trong đó khẳng định rất rõ, tài liệu lưu trữ là “tài liệu có giá trị phục vụ hoạt động thực tiễn, nghiên cứu khoa học, lịch sử được lựa chọn để lưu trữ” và nhiệm vụ của công tác lưu trữ đã được ngành lưu trữ xác định là tổ chức khoa học, bảo quản an toàn tài liệu thuộc phông lưu trữ quốc gia Việt Nam và khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn thông tin tài liệu lưu trữ phục vụ cho các mục đích xây dựng và phát triển đất nước. Theo đó, ngày 27/6/2012 Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số: 579/QĐ-BNV về việc Phê duyệt Quy hoạch ngành Văn thư - Lưu trữ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu tổng quát của ngành là “Quản lý thống nhất công tác văn thư, lưu trữ trên phạm vi cả nước; bảo quản an toàn và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
     2. Về tình hình tài liệu lưu trữ lịch sử tỉnh đang bảo quản tại Trung tâm
     Tài liệu lưu trữ là di sản văn hóa của dân tộc, là tài sản đặc biệt của Quốc gia, tài liệu lưu trữ chứa đựng những thông tin phong phú, có độ tin cậy cao, phản ánh một cách toàn diện, trung thực mọi mặt của đời sống xã hội, có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm và có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý tài liệu và công tác tổ chức phát huy hiệu quả giá trị tài liệu trong việc tổ chức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ các cơ quan, tổ chức, công dân để tra cứu, sử dụng trên các lĩnh vực về khoa học, lịch sử, học tập… đáp ứng được mọi yêu cầu của công chúng, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh.
     Hiện Trung tâm đang bảo quản 166 Phông lưu trữ, với hơn 2.400 mét giá tài liệu của 378 cơ quan, tổ chức, địa phương thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử tỉnh, được thể hiện trên các vật mang tin khác nhau như: giấy, phim ảnh, băng từ,… chứa đựng nhiều nội dung phong phú,  phản ánh về đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh từ thế kỷ XIX đến nay. Đây là khối tài liệu lớn có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và của tỉnh nhà nói riêng. Do vậy, công tác phát huy giá trị tài liệu lưu trữ của tỉnh có ý nghĩa quan trọng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của công chúng về sự hình thành và phát triển tỉnh Bình Định qua các thời kỳ lịch sử; đồng thời, giáo dục truyền thống, lịch sử của dân tộc và của tỉnh Bình Định trong việc bảo tồn các giá trị di sản của địa phương, góp phần phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách hành chính của tỉnh nhà.
     3. Những kết quả đạt được trong công tác khai thác, sử dụng tài liệu Lưu trữ lịch sử tỉnh          
     Trong 03 năm qua, Trung tâm đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình về tổ chức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ như: Phục vụ trên 400 lượt độc giả sử dụng tài liệu tại Phòng đọc, với 1.083 hồ sơ, tài liệu đưa ra nghiên cứu; viết 65 tin và 09 bài công bố giới thiệu tài liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức trưng bày, triễn lãm tài liệu; cấp bản sao và chứng thực hơn 1.000.000  tài liệu lưu trữ; thực hiện trao trả hồ sơ, kỉ vật cán bộ đi B cho thân nhân 4.9434 hồ sơ, kỉ vật tại 11 huyện, thị xã, thành phố …Thông qua các hình thức trên, đã cung cấp cho các cơ quan, tổ chức và công dân về các nguồn tài liệu để nghiên cứu, tham khảo  xây dựng đề tài, đề án, tra tìm các hồ sơ, tài liệu của các cá nhân liên quan đến các chế độ chính sách, giấy tờ về nhà , đất của hộ gia đình và các nhu cầu chính đáng khác của công dân.
     Đăc biệt, trong  khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ,  độc giả đến Trung tâm phần lớn là những lão thành cách mạng, những gia đình có công đóng góp giúp đỡ cách mạng và thân nhân của những người đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước để tra tìm những hồ sơ, tài liệu còn lưu giữ.  Với tinh thần trách nhiệm phục vụ công chúng  trong giải quyết công việc, viên chức Trung tâm luôn có thái độ lịch sự, ân cần, vui vẻ và hướng dẫn tận tình, chu đáo về các quy định của Nhà nước trong việc khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ lịch sử tỉnh,  giúp cho tổ chức, công dân thực hiện đúng theo quy định. Đồng thời, thực hiện tốt ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa tài liệu đáp ứng được yêu cầu của độc giả trong khai thác, tra tìm hồ sơ, tài liệu đảm bảo kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả; nhờ đó mà trong những năm qua Trung tâm  luôn đem lại sự hài lòng cho tổ chức, công dân trong và ngoài tỉnh.
     4. Một số giải pháp trong công tác phát huy hiệu quả giá trị tài liệu lưu trữ lịch sử tỉnh
     - Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị của tài liệu lưu trữ lịch sử, thông qua các hình thức tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, Trang thông tin điện tử Sở, của đơn vị; đặc biệt là tổ chức trưng bày tài liệu, tư liệu tại Trung tâm và triển lãm thực tế ảo về tài liệu lưu trữ Bình Định qua các thời kỳ nhân các ngày lễ lớn của đất nước và các sự kiện trọng đại của tỉnh, để nâng cao nhận thức của toàn xã hội và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, địa phương về vai trò, ý nghĩa, giá trị của tài liệu lưu trữ; góp phần quan trọng vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
     - Tăng cường công tác giáo dục viên chức, người lao động trong đơn vị  tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; đề cao tính tiền phong, gương mẫu, nêu gương và đổi mới tác phong làm việc;  thực hiện đạo đức,văn hóa công vụ, tôn trọng và phục vụ nhân dân trong thực thi công vụ.
     - Tăng cường và thực hiện tốt công tác tu bổ, bồi nền, phục chế tài liệu; chỉnh lý, nâng cấp tài liệu; ứng dụng công nghệ thông tin số hóa bảo hiểm tài liệu… nhằm phục vụ độc giả đến khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ tại Phòng đọc và trên cổng dịch vụ công của tỉnh.
     - Tăng cường công tác sưu tầm, thu thập tài liệu quý, hiếm về các tài liệu, tư liệu liên quan đến Bình Định tại các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh để góp phần bổ sung vào nguồn sử liệu của tỉnh nhà ngày càng phong phú.
     Từ các giải pháp trên với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao của toàn thể viên chức Trung tâm; trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phát huy hiệu quả giá trị tài liệu lưu trữ lịch sử để góp phần vào xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà./.

Tác giả bài viết: Ánh Nguyệt, Phòng Nghiệp vụ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
Văn phòng điện tử IDesk
Công dân hỏi, giám đốc sở trả lời
Tra cứu Hồ sơ đi B
Công khai tài chính
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập140
  • Hôm nay393
  • Tháng hiện tại19,274
  • Tổng lượt truy cập1,870,341
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây