Xây dựng “Văn hoá liêm chính, đạo đức nghề nghiệp” của đảng viên, viên chức, người lao động tại chi bộ Trung tâm Lưu trữ lịch sử.

Thứ ba - 11/07/2023 15:30 1.114 0
1. Những quan niệm, luận chứng về xây dựng “Văn hóa liêm chính, đạo đức nghề nghiệp” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
     Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến vấn đề liêm chính trong bối cảnh tình trạng suy thoái, tha hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang diễn ra hết sức gay gắt. Chữ “Liêm chính” được nhận thức ở hai chuẩn mực là “Văn hóa liêm chính, đạo đức nghề nghiệp”.
     Thật vậy, từ những ngày đầu tiên xây dựng chính quyền nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước Quốc hội, quốc dân và trước thế giới tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I: “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết” và “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Mỗi người phải nhận rằng, tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”. Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Liêm chính” trong cụm từ “Cần kiệm, liêm chính” là giá trị nền tảng của đạo đức công vụ. Liêm “là trong sạch, không tham lam, luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của nhà nước, của nhân dân, không tham địa vị, không tham tiền tài….”. Chính “nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn”. “Liêm chính” là giá trị đạo đức cơ bản, là nguyên tắc, thước đo, chuẩn mực đối với người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong công tác cũng như trong cuộc sống thường ngày.
     Kế thừa và phát triển luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Liêm chính”, trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Thanh sạch, liêm khiết ấy chính là Liêm vậy. Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, cũng chẳng muốn ham hố vật chất. Hơn nữa, chính là tinh thần chí công vô tư, "dĩ công vi thượng" và biết quên mình mà làm chuyện ích lợi chung. Người liêm khiết thì luôn giữ cho nhân cách mình được vẹn toàn, thanh danh mình được thơm tho, không lợi dụng địa vị mình để chiếm công vi tư, để nhũng nhiễu, bóc lột đồng loại.…”
     Vấn đề “Liêm chính” và xây dựng “Văn hóa liêm chính” được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến nhiều lần trong các Hội nghị của Trung ương Đảng khi nói về công tác xây dựng Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng: “Phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực. Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ rằng: Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”…
     Tháng 11/2020, tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tâm sự một vài điều rất cơ bản, rất then chốt về lẽ sống của người cách mạng, của cán bộ, đảng viên: “Phải làm sao giữ cho được, làm cho đúng theo tư cách, đạo đức, danh dự của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người lãnh đạo”.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại một câu nổi tiếng trong truyện "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Liên Xô Ostrovsky: "Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên không hề biết sợ". Đó chính là sự đòi hỏi bản lĩnh của cán bộ, đảng viên mà cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương ngời sáng với những phẩm chất cao quý: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư”.
     Tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào ngày 15/9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, chiến sĩ, công chức cơ quan nội chính phải thường xuyên tôi luyện, rèn giũa bản thân để "thanh bảo kiếm" luôn rắn rỏi và sắc bén, dám vung kiếm và vung kiếm đúng lúc, chém đúng đối tượng, không bị sứt mẻ; để "lá chắn" luôn vững vàng, chắc chắn, không một viên đạn, mũi tên nào có thể xuyên thủng, nhất là những viên đạn, mũi tên "bọc đường"”.
     Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 (tháng 6/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh yêu cầu: “Phải xây dựng được văn hóa công vụ của mỗi ngành, cơ quan, đơn vị. Văn hóa công vụ sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ”.
     Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", một lần nữa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “Một trong những việc học và làm theo Bác Hồ là phải giữ thanh liêm, giữ liêm sỉ, danh dự, trong sạch, trong sáng. Vì liêm sỉ là nền tảng của đạo làm người”.
     Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức nói chung và “Đạo đức nghề nghiệp” của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước nói riêng. Tổng Bí thư chỉ rõ: “Nỗi lo thực trạng đạo đức xã hội xuống cấp dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, “Sự tha hóa quyền lực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tình trạng tham nhũng, lãng phí, xuống cấp về mặt đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội… cũng là những thứ giặc nội xâm vô cùng nguy hiểm, đe dọa vai trò lãnh đạo và sứ mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, vận mệnh của đất nước, dân tộc”. Chính vì thế, rèn luyện đạo đức cách mạng, giáo dục “Đạo đức nghề nghiệp” của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước là một trong những giải pháp cơ bản để xây dựng Đảng và và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
     Vì vậy, giải pháp then chốt để tu dưỡng, rèn luyện “Đạo đức nghề nghiệp”, đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước về thực hành phong cách dân vận theo tấm gương, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân; nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, thực sự vì nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân” và “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.
     2. Ý nghĩa việc xây dựng “Văn hoá liêm chính, đạo đức nghề nghiệp” cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay
     Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải “rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính”. Công việc xây dựng Đảng bắt đầu từ xây dựng đội ngũ cán bộ. Xây dựng và chỉnh đốn đội ngũ cán bộ phải bắt đầu từ xây dựng nền tảng “Đạo đức nghề nghiệp”. Xây dựng nền tảng “Đạo đức nghề nghiệp” phải đi từ sự liêm chính. “Liêm chính” không chỉ là đạo đức của cá nhân, của xã hội mà còn là đạo đức của Đảng, phản ánh trí tuệ, văn hóa của Đảng, bản chất tốt đẹp của Đảng. Có liêm chính thì Đảng trong sạch, vững mạnh, Đảng sẽ “là đạo đức, là văn minh”. Mỗi cán bộ liêm chính sẽ góp phần tạo nên đội ngũ liêm chính, hệ thống liêm chính. Việc xây dựng “Văn hóa liêm chính”, chú trọng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho mỗi cán bộ, đảng viên là những giải pháp cơ bản, lâu dài. Đây chính là gốc rễ, nền tảng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
     Hiện nay, “Văn hóa liêm chính”, tiết kiệm là nét đẹp trong ứng xử của cá nhân, đơn vị, thể hiện ở tinh thần chính trực, ngay thẳng, công bằng; ý thức trân trọng, giữ gìn của công, không lãng phí, vì lợi ích của tập thể. Việc xây dựng, hình thành và thực thi tốt văn hóa liêm chính, tiết kiệm, nhất là với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong nền hành chính công vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. “Văn hóa liêm chính”, tiết kiệm góp phần kiến tạo môi trường sống, làm việc lành mạnh với những giá trị liêm khiết, trong sạch, ngay thẳng, chính trực, công bằng được thực thi. Đồng thời, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất, tư cách đạo đức tốt, có tinh thần gương mẫu, tiên phong, tận tụy, trung thành với lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của tập thể.
     Trong nền hành chính công vụ, xây dựng “Văn hóa liêm chính”, tiết kiệm có ý nghĩa quan trọng, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thực hiện nghiêm “Văn hóa liêm chính”, tiết kiệm sẽ đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí, những hành vi tiêu cực, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương và sự tôn nghiêm của pháp luật. Khắc phục và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
     3. Thực tiễn việc xây dựng “Văn hóa liêm chính, đạo đức nghề nghiệp” của đảng viên, viên chức, người lao động tại chi bộ Trung tâm Lưu trữ lịch sử
     Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp hiện đại 4.0, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, những tư tưởng tích cực, lối sống đẹp là những khó khăn, thách thức, những cám dỗ về vật chất, tiền tài, địa vị, những tư tưởng trục lợi cá nhân..., đã ảnh hưởng tác động đến tư tưởng, tâm lý mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Vì không giữ được sự liêm chính, nghiêm minh trong thực thi công vụ, nhiều cán bộ, đảng viên đã vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý hình sự”.
     Trước tình hình đó, việc xây dựng “Văn hóa liêm chính, đạo đức nghề nghiệp” của đảng viên, viên chức, người lao động Trung tâm trong thời gian qua được chi bộ triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Chi bộ Trung tâm luôn chú trọng tuyên truyền, quán triệt triển khai cho đảng viên, viên chức, người lao động các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như: Luật phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Viên chức; Thông tư  07/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ; các kế hoạch của Sở Nội vụ về thực hiện chương trình phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ….. Hằng năm, chi bộ đã chỉ đạo xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; 100% đảng viên, viên chức, người lao động viết bản cam kết không vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.
     Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Văn hóa liêm chính”, tiết kiệm để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đảng viên, viên chức và người lao động bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực: Hằng năm tổ chức Kê khai tài sản, thu nhập của lãnh đạo Trung tâm, đảng viên, viên chức thuộc đối tượng kê khai đảm bảo theo quy định; hàng quý thực hiện công bố, công khai tài chính ngân sách, dịch vụ chỉnh lý tài liệu, các loại quỹ rõ ràng, minh bạch; xây dựng, điều chỉnh quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp tình hình tự chủ tại đơn vị; quản lý, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả; triển khai công tác quy hoạch, đào tạo, chuyển đổi vị trí công tác của viên chức cần chuyển đổi theo quy định; thực hiện dân chủ, công khai trong việc tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đảng viên, viên chức, người lao động đối với các vấn đề liên quan đến các chế độ chính sách của đảng viên, viên chức, NLĐ…..Ban hành Quy chế thực hiện văn hóa công sở và quy tắc ứng xử để đảng viên, viên chức, NLĐ chấp hành và thực hiện tốt Quy chế văn hóa công sở, đạo đức công vụ tại đơn vị; qua đó xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ.
     Nhìn chung, đảng viên, viên chức, người lao động tại chi bộ Trung tâm nhận thức và thực hiện tốt việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm phục vụ tổ chức, công dân trong việc khai thác, sử dụng tài liệu LTLS tại Trung tâm, góp phần xây dựng chi bộ, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
     Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, nhất là công tác tuyên truyền, quán triệt về ý nghĩa việc xây dựng “Văn hóa liêm chính, đạo đức nghề nghiệp” theo tinh thần nội dung tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thật sự đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả; góp phần xây dựng chi bộ, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
     4. Một số giải pháp để xây dựng “Văn hoá liêm chính, đạo đức nghề nghiệp” của đảng viên, viên chức, người lao động tại chi bộ Trung tâm
     4.1. Đối với chi bộ
    - Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đảng viên, viên chức, người lao động Trung tâm.
     - Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị, tập trung vào ba nội dung: Học tập, làm theo và nêu gương, đưa nội dung của chuyên đề năm 2023 vào sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ; trong đó chú trọng học tập, thực hiện về “Văn hóa liêm chính, đạo đức nghề nghiệp” của đảng viên, viên chức, người lao động, nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; tác phong làm việc khoa học, sáng tạo, nói đi đôi với làm trong đảng viên, viên chức, người lao động Trung tâm.
    - Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thực hiện tốt nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên, viên chức, người lao động  Trung tâm.
     - Chi bộ, đơn vị tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng “Văn hóa liêm chính”, tiết kiệm để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đảng viên, viên chức và người lao động bằng nhiều hình thức, việc làm cụ thể tại đơn vị như: Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, quy hoạch, đào tạo, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của đơn vị; thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của đảng viên, viên chức thuộc diện kê khai tại đơn vị theo đúng quy định.
    - Tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính kỷ luật, kỷ cương, xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, thân thiện. Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công chỉnh lý tài liệu nhằm đảm bảo một phần tự chủ tại đơn vị, nâng cao đời sống cho đảng viên, viên chức, người lao động, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
     - Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm túc quy định về nêu gương của Người đứng đầu trong xây dựng “Văn hóa liêm chính” để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị. Kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng đảng viên, viên chức, người lao động có thành tích trong thực thi “Văn hóa liêm chính”, tu dưỡng rèn luyện “Đạo đức nghề nghiệp”.
     4.2. Đối với đảng viên, viên chức, người lao động
    - Tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của người đảng viên, viên chức; gương mẫu trong công tác và cuộc sống, trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí; chấp hành Quy chế làm việc, Quy chế dân chủ ở cơ sở, Quy định về những điều đảng viên không được làm; không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
    - Mỗi đảng viên, viên chức, người lao động thực hiện đăng ký xây dựng bản cam kết không vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII), Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Đây được xem là căn cứ để chi bộ, đơn vị kiểm điểm, đánh giá xếp loại đảng viên, viên chức, người lao động cuối năm.
     - Phát huy tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; đổi mới phong cách, tác phong và lề lối làm việc. Tích cực học tập nâng cao trình độ và năng lực công tác; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ đơn vị.
     - Thực hiện nghiêm Quy chế văn hóa công sở, quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp chuyên ngành lưu trữ; nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong đơn vị./.

Tác giả bài viết: Hoa Đào, Phòng Nghiệp vụ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
Văn phòng điện tử IDesk
Công dân hỏi, giám đốc sở trả lời
Tra cứu Hồ sơ đi B
Công khai tài chính
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập187
  • Hôm nay781
  • Tháng hiện tại19,662
  • Tổng lượt truy cập1,870,729
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây