Nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn di sản Hán Nôm với việc phát triển văn hoá bền vững tại Bình Định

Thứ hai - 21/08/2023 14:48 241 0
          Hiện nay, di sản văn hóa Hán Nôm được xác định một bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa dân tộc nói chung và từng vùng miền nói riêng. Với vai trò là nguồn tư liệu thành văn quan trọng, giúp cho các thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu về tiến trình văn hoá, lịch sử của dân tộc và từng địa phương cụ thể. Qua khảo sát sơ bộ, chúng tôi nhận thấy, những tư liệu Hán Nôm hiện còn của Bình Định khá phong phú và đa dạng từ hình thức thể hiện đến nội dung, gồm: sắc phong thần cho các đình làng, hương ước, gia phả, đơn khai, văn tế, văn cúng, di chúc, thơ văn, văn bia, hoành phi, câu đối, châu bản, địa bạ... phần nào đã phản ánh rõ những đặc trưng tư duy và văn hoá của địa phương cũng như sinh hoạt làng xã, nghệ thuật của các bậc tiền nhân. Tuy nhiên, so với với những vùng đất khác, di sản Hán Nôm ở khu vực Bình Định có nguy cơ mai một rất lớn do chịu ảnh hưởng từ mức độ phát triển và đô thị hoá của địa phương. Do đó công tác sưu tầm, bảo tồn hệ thống di sản này là một vấn đề cấp thiết.
 
Triển lãm tư liệu Hán Nôm tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định
          1. Từ công tác sưu tầm, biên dịch…
          Từ năm 2010, công tác sưu tầm, biên dịch các tài liệu Hán Nôm đã được UBND tỉnh, các cơ quan quản lý văn hoá, giới nghiên cứu Hán Nôm Bình Định quan tâm và thực hiện. Từ năm 2005, về phương diện quản lý nhà nước, công tác sưu tầm đã được tổ chức thành nhiều đợt do Chi cục văn thư lưu trữ (nay là Trung tâm lưu trữ lịch sử) thuộc Sở Nội vụ Bình Định thực hiện và đã mang lại những kết quả khả quan, phục vụ một cách hữu hiệu cho công tác bảo tồn di sản, nghiên cứu lịch sử địa phương. Từ năm 2014 đến nay, hàng ngàn đơn vị văn bản Hán Nôm bao gồm Châu bản triều Nguyễn, Sắc phong, gia phả dòng tộc, sử liệu liên quan đến Bình Định, các tài liệu về võ cổ truyền Bình Định, … đã được Trung tâm Lưu trữ lịch sử tiến hành tổ chức biên phiên dịch. Năm 2015, 2021, đơn vị này đã tham mưu cho Sở Nội vụ Bình Định tổ chức 02 đợt trưng bày, triển lãm các văn bản Hán Nôm rất quy mô và khoa học. Điều này cho thấy sự đầu tư đúng hướng và triển khai có hiệu quả các chủ trương của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Định về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá Hán Nôm trong công cuộc phát triển bền vững văn hoá địa phương hiện nay.
          Bên cạnh những kế hoạch, chương trình của các cơ quan chuyên môn, sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu, nhóm chuyên môn trên địa bàn tỉnh cũng cần được ghi nhận. Kết quả sưu tầm của các nhà nghiên cứu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh như Trần Đình Tân, Mạc Như Tòng, Nguyễn Hoài Văn, Vũ Ngọc Liễn, Đặng Quý Địch, Huỳnh Chương Hương, Võ Minh Hải và nhóm nghiên cứu văn hoá Hán Nôm của Trường Đại học Quy Nhơn đã góp thêm không ít những tư liệu quý cho công tác nghiên cứu về văn hoá, văn học và lịch sử địa phương trong thời gian qua.
 
 
 
Châu bản triều Nguyễn về trường thi Bình Định dưới triều Tự Đức,
sưu tầm từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
          2. … đến việc khai thác giá trị của hệ thống di sản Hán Nôm Bình Định
          Là một địa phương có trữ lượng văn hoá lịch sử rất lớn trong khu vực Nam Trung bộ, Bình Định đã trở thành trung tâm của quá trình giao thoa văn hoá Việt – Chăm – Hoa. Trong hành trình văn hoá Nam Trung bộ, vai trò của Bình Định vô cùng quan trọng. Điều này đã được ghi chép trong các tài liệu Hán Nôm. Đơn cử những ghi chép về văn hoá, kiến trúc Chăm đã đã được Nguyễn Văn Hiển miêu thuật khá kĩ trong tác phẩm Đồ Bàn thành kí, hệ thống tháp Chăm, thành Chăm cũng được các sử gia biên chép trong Đại Nam nhất thống chí (bản Tự Đức, bản Duy Tân), hoặc quá trình kinh thương buôn bán và cộng cư của người Hoa ở Quy Nhơn, An Nhơn, Gò Bồi cũng được phản ánh trong các tài liệu Hán Nôm được sưu tầm ở khu vực này.
          Trong thực tế, khá nhiều tư liệu Hán Nôm tuy đã được sưu tầm, biên dịch nhưng chỉ chiếm một số lượng khá ít so với trữ lượng của địa phương. Hệ thống tư liệu nghiên cứu, khảo cứu về văn hoá Chăm, sử liệu thời Tây Sơn, văn hoá làng xã, lịch sử và quá trình hình thành các cộng đồng người Hoa, lịch sử tôn giáo (đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Mẫu, …), văn hoá kiến trúc, lịch sử tộc họ, đặc biệt là hệ thống tư liệu Hán Nôm về võ thuật, hát bội và hồ sơ Hán Nôm của các danh nhân văn hoá, văn học của địa phương vẫn chưa được đầu tư sưu tầm, khai thác.
          Ngoài ra, một vấn đề được đặt ra là, trong thực tiễn, quản lý và khai thác tư liệu theo hệ thống chuyên đề vẫn chưa được định hình và do đó vô hình trung chúng ta đã “lãng phí” rất lớn nguồn tư liệu hiện có. Việc đề xuất và hình thành các chuyên đề tư liệu cần có sự hợp tác của các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh như Sở Văn hoá – Thể Thao, Sở Du lịch, Trung tâm lưu trữ lịch sử, Thư viện tỉnh Bình Định và Khoa KHXH & NV, Trường Đại học Quy Nhơn. Hiện nay, để góp phần thúc đẩy sự phát triển các giá trị của văn hoá truyền thống ở Bình Định, thiết nghĩ chúng ta nên có những dự án chuyên đề sưu tầm, bảo tồn, biên dịch những tư liệu như: Bình Định qua Đại Nam thực lục; Thành trì Chăm ở Bình Định qua tư liệu Hán Nôm; Sắc phong Bình Định; Hoành phi câu đối trong các công trình kiến trúc ở Bình Định; Hồ sơ Hán Nôm của Đào Duy Tư, Đặng Đức Siêu, Đào Tấn, Nguyễn Diêu, Đào Phan Duân, Trần Đình Tân; Tư liệu Hán Nôm về hát bội, bài chòi Bình Định; Địa danh Bình Định qua tư liệu Hán Nôm; Tư liệu Hán Nôm liên quan đến văn hoá làng xã (Hương ước, khoán lệ); Địa bạ cổ Bình Định; Nghiên cứu văn hoá tín ngưỡng dân gian ở Bình Định qua tài liệu Hán Nôm; Tài liệu Hán Nôm công giáo Bình Định;… Với những chuyên đề, dự án cụ thể, chúng ta có thể sưu tầm và khai thác triệt để hệ thống tư liệu, phục dựng bức tranh văn hoá, lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo của Bình Định thật sự hiệu quả, có cơ sở khoa học. Điều đó không chỉ thể hiện bề dày văn hoá mà còn góp phần thúc đẩy quá trình phát triển du lịch trải nghiệm văn hoá địa phương, phát huy hiệu quả trách nhiệm cộng đồng đối với việc phát triển bền vững văn hoá dựa trên mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại.
          3. Một số giải pháp và khuyến nghị
          Từ thực trạng của hệ thống di sản Hán Nôm của Bình Định hiện nay, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:
          Các cơ quan chuyên môn cần tham mưu với lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Định về việc xây dựng các chủ trương, kế hoạch tổ chức, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống tư liệu Hán Nôm Bình Định. Công tác này cần được tổ chức thường xuyên, có hệ thống theo từng địa phương nhằm đảm bảo tiến độ. Thống kê chi tiết và tiếp tục sưu tầm các tư liệu Hán Nôm trong dân gian để từ đó có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể. Đề xuất xây dựng các bộ sách công cụ mang tính tùng thư như: Địa bạ cổ Bình Định, Hương ước Bình Định, Sắc phong Bình Định, … hoặc triển khai công trình Di sản Hán Nôm Bình Định nhằm khôi phục, làm sáng rõ thêm những giá trị văn hóa truyền thống trong các văn bản Hán Nôm của địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn di sản tư liệu Hán Nôm trong giáo dục địa phương ở các trường phổ thông, hỗ trợ các tổ chức đoàn hội trong nhà trường tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, giới thiệu về di sản văn hoá Hán Nôm của các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định.
          Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào bảo quản các văn bản Hán Nôm Bình Định, bên cạnh các biện pháp: photocopy, scan, chụp ảnh. Đây là cách lưu trữ rất hiệu quả và cần thiết, tạo điều kiện cho việc bảo quản, khai thác, trao đổi các tư liệu Hán Nôm thuận lợi và dễ dàng hơn trong xu hướng toàn cầu hóa.  
          Giải pháp quan trọng và cấp thiết nhất là cần có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ chuyên viên, thư viện viên, những người làm quản lý văn hóa tham gia các lớp Hán Nôm để đọc, hiểu, nắm vững giá trị của các văn bản Hán Nôm trực tiếp quản lý, dần mở rộng phạm vi giới thiệu giá trị di sản Hán Nôm của địa phương và toàn tỉnh đến các đối tượng khác. Thành lập nhóm nghiên cứu hoặc Câu lạc bộ Hán Nôm Bình Định nhằm thực hiện nhiệm vụ biên phiên dịch tài liệu theo yêu cầu của các cơ quan chuyên môn. Thường xuyên tổ chức giới thiệu hệ thống tài liệu sưu tầm theo chuyên đề và tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia về việc thẩm định giá trị của tư liệu./.

Tác giả bài viết: TS. Võ Minh Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
Văn phòng điện tử IDesk
Công dân hỏi, giám đốc sở trả lời
Tra cứu Hồ sơ đi B
Công khai tài chính
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập163
  • Hôm nay484
  • Tháng hiện tại19,365
  • Tổng lượt truy cập1,870,432
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây