Cổ khí của vua Minh Mạng

Thứ hai - 11/12/2023 16:43 284 0
Khi xem các sách xưa, vua Minh Mạng thấy ghi chép về các loại đồ cổ không giống nhau, thỉnh thoảng có một vài bài minh, chữ nghĩa thiếu sót, không thể hiểu hết được nên năm Minh Mạng thứ 19 (1838), vua đem từ cái đỉnh Sách mệnh nhà Thương đến cái xe hình con chim cưu nhà Hán, giao cho các quan có trách nhiệm chiểu theo hình dáng khắc đúc bác cổ đồ.

Năm Kỷ Hợi (1839), châu phê cho phép đổi bác cổ đồ 博 古 圖 làm cổ khí 古 器. Cổ khí là các vật dụng được mô phỏng theo hình dáng của đời Chu, đời Thương và đời Hán. Mỗi cổ khí có một hình dáng khác nhau và mỗi cổ khí là một tác phẩm nghệ thuật rất độc đáo. Các bài ngự chế được khắc trên cổ khí còn gọi là Ngự chế minh văn cổ khí đồ là lời răn dạy của vua Minh Mạng với nội dung kính trời, lễ phép với tổ tiên, tu dưỡng bản thân, chăm chỉ làm việc, yêu dân và noi gương tiền nhân, dạy bảo cho hậu thế.

Hình dáng và cân nặng của cổ khí

Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thì cổ khí gồm 33 loại, mỗi loại 10 chiếc, tổng cộng 330 chiếc (sách Đại Nam thực lục thì chép cổ khí gồm 33 loại, mỗi loại 30 chiếc, tổng cộng 990 chiếc). Cổ khí đều đúc bằng đồng, gồm có:

1. Hán hi thủ bôi (cái chén hình đầu trâu đời Hán), cao 2 tấc 5 phân, sâu 1 tấc 6 phân, đường kính miệng 1 tấc 3 phân, nặng 1 lạng 5 đồng cân;
2. Chu Tử Ất giả (cái chén đựng rượu của Tử Ất đời Chu), cao 9 tấc 8 phân, sâu 4 tấc 7 phân, đường kính miệng 3 tấc 9 phân, nặng 7 cân 8 lạng;
3. Thương Quỳ long cô (cái bình của Quỳ long đời Thương), cao 6 tấc 5 phân, sâu 4 tấc 5 phân, đường kính miệng 3 tấc 2 phân, nặng 3 cân 1 lạng;
4. Chu Chu Bá đỉnh (cái vạc nấu của ông Chu Bá đời Chu), cao 3 tấc 6 phân, sâu 1 tấc 7 phân, đường kính miệng 2 tấc 5 phân 5 ly, nặng 2 cân 9 lạng;
5. Hán cưu xa (chiếc xe hình con chim cưu đời Hán), cao 1 tấc 7 phân, dài 2 tấc 5 phân, rộng 1 tấc, có 2 bánh, đường kính bề rộng đều 1 tấc 2 phân 5 ly, nặng 13 lạng;
6. Thương Phủ Ất đỉnh (cái đỉnh của Phủ Ất nhà Thương), cao 5 tấc 1 phân, sâu 2 tấc 2 phân, đường kính miệng 3 tấc 4 phân 5 ly, nặng 7 cân 14 lạng 2 đồng cân;
7. Thương sách mệnh đỉnh (cái đỉnh sách mệnh của nhà Thương), cao 5 tấc 2 phân, sâu 2 tấc, miệng dài 3 tấc 1 phân, rộng 2 tấc 2 phân, nặng 8 cân 14 lạng;
8. Thương Phủ Kỷ đỉnh (cái đỉnh của Phủ Kỷ đời Thương), cao 4 tấc 3 phân, sâu 2 tấc, đường kính miệng 3 tấc, nặng 4 cân 8 lạng;
9. Chu Văn Vương đỉnh (cái đỉnh của Văn Vương nhà Chu), cao 6 tấc 9 phân, sâu 3 tấc 4 phân, miệng dài 3 tấc 7 phân, rộng 2 tấc 7 phân, nặng 12 cân 9 lạng;
Co khi 1
Cổ khí của vua Minh Mạng
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
10. Chu Bá đỉnh (cái vạc của Vương Bá đời Chu), cao 4 tấc 3 phân, sâu 2 tấc, miệng dài 3 tấc, rộng 2 tấc 1 phân 5 ly, nặng 7 cân;
11. Chu Ung Công Giám đỉnh (cái vạc của Ung Công Giám đời Chu), cao 7 tấc, sâu 3 tấc 6 phân, đường kính miệng 6 tấc 3 phân, nặng 23 cân 8 lạng;
12. Chu Tử Phủ Cử đỉnh (cái đỉnh của Tử Phủ Cử đời Chu), cao 6 tấc 7 phân, sâu 2 tấc 4 phân, đường kính miệng 4 tấc 4 phân, nặng 8 cân 15 lạng 8 đồng cân;
13. Chu Bàn Quỳ trực văn di (cái chén nhỏ có chỉ dọc của Bàn Quỳ đời Chu), cao 3 tấc 1 phân 5 ly, sâu 2 tấc 1 phân, đường kính miệng 4 tấc 1 phân 5 ly, nặng 9 cân;
14. Thương Tổ Mậu tôn (cái chén của Tổ Mậu đời Thương), cao 6 tấc 7 phân, sâu 4 tấc 6 phân, đường kính miệng 5 tấc 2 phân, nặng 12 cân 8 lạng;
15. Chu tượng tôn (cái chén hình con voi đời Chu), cao 7 tấc, sâu 2 tấc 8 phân, dài 8 tấc, đường kính miệng 1 tấc 3 phân, chiều rộng 2 tấc 5 phân, nặng 8 cân 13 lạng;
16. Chu hồ tôn (cái hồ tôn đời Chu), cao 7 tấc 7 phân 5 ly, sâu 6 tấc 3 phân, đường kính 4 tấc 7 phân, nặng 27 cân 8 lạng 5 đồng cân;
17. Chu Thái Sư Vọng quỹ (cái bát tròn của Thái sư Vọng đời Chu), cao 4 tấc 3 phân, sâu 1 tấc 8 phân, miệng dài 4 tấc, rộng 2 tấc 6 phân, nặng 9 cân 15 lạng 3 đồng cân;
18. Chu ly thủ phương hồ (cái bình vuông hình đầu con ly đời Chu), cao 7 tấc 4 phân, sâu 1 tấc, miệng dài 3 tấc, rộng 1 tấc 7 phân 5 ly, nặng 16 cân 3 lạng;
19. Chu lôi văn li thủ khiết hồ (cái hồ xách tay hình đầu con ly có hoa văn sấm chớp đời Chu), cao 4 tấc, sâu 1 tấc 5 phân, đường kính miệng 1 tấc 8 phân, nặng 9 cân 6 lạng;
20. Hán sơn long ôn hồ (cái bình có hình núi, rồng của đời Hán), cao 6 tấc 1 phân, sâu 5 tấc 2 phân, đường kính miệng 1 tấc, nặng 9 cân 4 lạng;
21. Thương Hợp tôn tổ đinh cô (cái bình đựng rượu của Hợp Tôn Tổ Đinh đời Thương), cao 5 tấc, sâu 3 tấc 4 phân, đường kính miệng sâu 3 tấc 3 phân, nặng 5 cân 6 lạng;
22. Chu Trọng Câu phủ đôn (cái liễn của Trọng Câu Phủ đời Chu), cao 4 tấc 3 phân, sâu 2 tấc 7 phân, đường kính miệng 3 tấc 9 phân, nặng 19 cân 1 lạng;
23. Chu Kỷ Dậu phương di (cái chén vuông Kỷ Dậu đời Chu), cao 4 tấc 8 phân, sâu 5 tấc, miệng dài 3 tấc 7 phân, rộng 3 tấc 1 phân, nặng 13 cân;
24. Thương Phủ Tân dữu (cái bình đựng rượu của Phủ Tân đời Thương), cao 7 tấc 2 phân, sâu 4 tấc 5 phân, đường kính miệng 1 tấc 5 phân, nặng 12 cân 12 lạng;
25. Thương hủy dữu (cái lọ đựng rượu hình con tê giác đời Thương), cao 8 tấc 5 phân, sâu 3 tấc 9 phân, đường kính miệng 2 tấc 2 phân, nặng 16 cân 12 lạng 5 đồng cân;
26. Chu Thúc Bang phủ (cái bát vuông của Thúc Bang Phủ đời Chu), cao 2 tấc 2 phân, sâu 1 tấc 2 phân, miệng dài 3 tấc, rộng 4 tấc 7 phân, nặng 9 cân 6 lạng;
27. Chu ngữ đôn (cái ngữ đôn đời Chu), cao 3 tấc 5 phân, sâu 2 tấc 2 phân, đường kính miệng 3 tấc 1 phân, nặng 8 cân 7 lạng;
28. Chu sơn lôi hổ (cái bình có vẽ hình núi, sấm chớp đời Chu), cao 5 tấc 7 phân, sâu 4 tấc 7 phân, đường kính miệng 3 tấc 1 phân, nặng 6 cân 2 lạng;
29. Thương lôi văn thao thiết cách (cái vạc nấu hình con thú Thao Thiết có hoa văn sấm chớp đời Thương), cao 6 tấc 8 phân, sâu 3 tấc 3 phân, đường kính miệng 4 tấc 8 phân, nặng 19 cân 8 lạng;
30. Chu Miệt Ngao cách (cái vạc nấu của Miệt Ngao đời Chu), cao 4 tấc 6 phân, sâu 2 tấc 1 phân, đường kính miệng 2 tấc 8 phân, nặng 9 cân 8 lạng;
31. Chu Thiết cách (cái vạc nấu hình con thú Thao Thiết đời Chu), cao 5 tấc 4 phân, sâu 2 tấc 6 phân, đường kính miệng 3 tấc 3 phân, nặng 8 cân;
32. Thương Phụ Phủ Định hòa (cái cốc của Phụ Phủ Định đời Thương), cao 4 tấc 4 phân, sâu 3 tấc 1 phân, đường kính miệng 2 tấc 3 phân, nặng 9 cân 6 lạng;
33. Chu giao ly hòa (cái bình hình con giao ly đời Chu), cao 4 tấc 3 phân, sâu 2 tấc 5 phân, đường kính miệng 2 tấc 3 phân, nặng 6 cân 8 lạng.

Nội dung của cổ khí

Sau khi cổ khí đúc xong, vua Minh Mạng tự làm 33 bài minh văn, gọi là Ngự chế minh văn cổ khí đồ 御 製 銘 文 古 器 圖, mỗi bài minh ứng với một cổ khí, sai khắc vào. Đó là các lời răn dạy với nội dung kính trời, lễ phép với tổ tiên, tu dưỡng bản thân, chăm chỉ, yêu dân và noi gương tiền nhân, dạy bảo cho hậu thế… Thị lang bộ Lễ là Nguyễn Văn Chương, Lâm Duy Nghĩa, Trương Văn Uyển viết lời bạt vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840).

Vua bảo bộ Công rằng: “Trẫm làm ra đồ bác cổ là muốn để lại, về sau truyền cho lâu dài, xét ra đồ vật đời Tam đại để lại, đến nay coi là cổ, thì biết đâu nghìn, muôn năm sau không coi ngày nay là cổ, cũng như ngày nay coi ở Tam đại?”.

Vua lại nói: Chữ nghĩa đời xưa, nhiều chữ không thể hiểu được, như một chữ tất phải giải nhiều nghĩa mới có thể hiểu được, bài minh ngự chế này trẫm dùng thể văn ngày nay, cốt cho giản tiện dễ biết mà thôi. Rồi vua đem bài minh phỏng theo cái đỉnh của Văn vương nhà Chu cho quần thần xem. Văn rằng: Làm theo vật, bắt chước người, nước dẫu cũ, mệnh đổi mới, trăm đời con cháu, muôn năm noi theo. Vua lại đưa ra một bài minh văn cổ cho xem, để biết văn cổ phần nhiều lời văn mờ tối, không thể noi theo được.

Phỏng theo cái bình vuông hình đầu con ly đời Chu, vua Minh Mạng cho khắc bài minh để răn dạy:

日 思 夜 思 為 民 憂 之 弗 敢 逸 豫 以 保 邦 基

Nhật tư dạ tư, vị dân ưu chi, phất cảm dật dự, dĩ bảo bang cơ (Ngày đêm suy nghĩ, lo lắng cho dân, chẳng dám nhàn rỗi ham chơi, để bảo vệ nền móng nước nhà).

Bài minh văn khắc trên cái cốc phỏng theo cái cốc của Phụ Phủ Định đời Thương thì khuyên về cách dùng người tài:

和 羹 則 壏 梅 濟 川 資 舟 楫 用 賢 勿 貳 俾 佐 我 邦 家 陰 陽 調 燮

Hòa canh tắc diêm mai, tế xuyên tư chu tiếp. Dụng hiền vật nhị, tỉ tá ngã bang gia, âm dương điều nhiếp (Pha canh thì dùng muối và mơ, qua sông thì nhờ thuyền và mái chèo. Dùng người hiền tài chớ có nghi ngờ, khiến họ phò tá nước nhà của ta, âm và dương sẽ được điều hòa).

Hay phỏng theo cái lọ đựng rượu hình con tê giác đời Thương, bài minh của vua ngụ ý về phép xứ đoán công bằng giữa công và tội:

有 功 不 賞 無 以 勸 有 罪 不 罰 無 以 懲 事 歸 平 允 勿 寓 愛 憎

Hữu công bất thưởng vô dĩ khuyến, hữu tội bất phạt vô dĩ trừng. Sự quy bình doãn, vật ngụ ái tăng (Người có công mà không thưởng thì không lấy gì để khuyến khích, người có tội mà không phạt thì không lấy gì để răn đe. Mọi việc phải quy về công bằng thỏa đáng, không nên có sự yêu ghét).
 
co khi 2
Phỏng theo cái lọ đựng rượu hình con tê giác đời Thương
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Bậc làm vua phải quan tâm đến dân, yêu thương dân, thi hành nhiều chính sách để chăm lo cho dân no đủ, đồng thời phải biết răn dè bản thân. Đó là lời răn được khắc trên cổ khí phỏng theo cái vạc hình con thú thao thiết đời Chu của vua Minh Mạng.
薄 斂 厚 施 戒 奢 窒 慾 百 姓 足 君 孰 與 不 足

Bạc liễm hậu thí, giới xa trất dục. Bách tính túc, quân thục dữ bất túc (Thu vào thì ít mà ban ơn hậu cho dân, răn dè kiềm chế dục vọng. Trăm họ đầy đủ thì vua không biết đủ với ai).

Vua Minh Mạng còn gửi lời nhắc nhở về việc dựng nước đã khó, giữ nước lại càng khó hơn:

念 開 創 之 艱 難 思 守 成 之 不 易 子 子 孫 孫 永 寶 用 此 器

Niệm khai sáng chi gian nan, tư thủ thành chi bất dị. Tử tử tôn tôn vĩnh bảo dụng thử khí (Ngẫm việc khai cơ lập nghiệp rất gian nan, mà việc giữ vững thành quả ấy lại không dễ. (Cho nên) con con cháu cháu mãi mãi phải biết quý trọng và giữ gìn (thành quả của người xưa), như việc sử dụng đồ cổ này).
 
co khi 3
Phỏng theo cái đỉnh của Phủ Ất nhà Thương
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Cổ khí của vua Minh Mạng là các vật dụng như cái bình, cái chén, cái vạc khắc những lời răn dạy đầy ý nghĩa. Mỗi bài minh đều ngắn gọn, chỉ có ít câu, có bài chỉ có một câu nhưng giá trị của nó trường tồn. Đã gần hai thế kỷ, biết bao thế hệ con người đã trôi qua nhưng những minh văn được khắc trên cổ khí đó không bao giờ là cũ, nó luôn là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh sâu sắc đối với mỗi chúng ta.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H80, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa, 2005;
3. Nội các triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, 2004.

Tác giả bài viết: Theo Nguyên Phan, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV

Nguồn tin: mocban.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
Văn phòng điện tử IDesk
Công dân hỏi, giám đốc sở trả lời
Tra cứu Hồ sơ đi B
Công khai tài chính
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập147
  • Hôm nay965
  • Tháng hiện tại19,846
  • Tổng lượt truy cập1,870,913
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây