Về các sắc phong tại chùa An Hòa

Thứ hai - 04/12/2023 08:21 141 0

Trong chuyến điền dã nghiên cứu Lễ hội Ðổ giàn An Thái (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) vào đầu tháng 11.2023, nhóm nghiên cứu đã phát hiện tại chùa An Hòa (còn gọi là chùa Bà, Thiên Hậu từ, An Hòa hội quán) ở thôn An Thái, xã Nhơn Phúc còn lưu giữ nhiều sắc phong quý của các vua triều Nguyễn.

Nhóm nghiên cứu tiếp cận các sắc phong đang được lưu giữ tại chùa An Hòa. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nhóm nghiên cứu tiếp cận các sắc phong đang được lưu giữ tại chùa An Hòa. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Có tổng cộng 7 đạo sắc phong tặng mỹ hiệu cho các vị thần: Thiên phi thượng đẳng thần (Thiên hậu thánh mẫu), Tam vị thánh tượng tôn thần, Thôi sinh nương nương chi thần, Đô thiên trấn quốc hiển ứng sùng phúc đại nãi phù nhân chi thần, Bảo sản thuận ý nương nương chi thần… được các vua triều Nguyễn ban sắc phong thần và chiếu dụ cho nhân dân An Hòa trang, phố An Thái, xã Minh Hương xưa thuộc huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định tiếp tục phụng thờ các vị thần đó theo lệ cũ.

7 sắc phong này được giữ gần như nguyên vẹn, nội dung chữ Hán viết theo thể khải thư vẫn còn rõ nét; các sắc phong có màu vàng nghệ, mặt trước trang trí họa tiết hoa văn hình rồng, đóng ấn triện 4 chữ “sắc mệnh chi bảo” (ấn dùng để ban sắc phong thần). Trong số này, có 2 sắc phong của vua Tự Đức ban vào năm 1852 và 1880; 1 sắc phong của vua Đồng Khánh ban năm 1886; 4 sắc phong của vua Khải Định ban năm 1917. Căn cứ vào nội dung ghi trên sắc phong của các vua triều Nguyễn, ta có thể biết được địa danh trước đó vùng đất An Thái xưa thuộc xã Minh Hương cũ của huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định; đến thời vua Khải Định, trang An Hòa là đơn vị hành chính trực thuộc phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Cụ Lâm Chương Hà (72 tuổi, ở thôn An Thái), người đang trông coi chùa Bà, chia sẻ: “Nhiều đời gia đình tôi được tin tưởng giao trông coi chùa, lưu giữ tráp gỗ đựng các giấy tờ chữ Hán này cẩn trọng. Tôi cũng không biết đây là giấy tờ gì, đến khi đoàn nghiên cứu đến tiếp cận và nói ra mới biết đây là sắc phong của các vua triều Nguyễn”.

Tại xã Nhơn Phúc hiện còn nhiều di tích văn hóa, lịch sử, như: Chùa Ông (Quan thánh miếu) Ngũ bang hội quán, đình Thái Thuận, chùa Bà Hỏa… nhưng không còn giấy tờ xưa lưu lại. Ông Dương Thanh Cường, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, cho biết: “Rất mừng là tại chùa An Hòa còn lưu giữ 7 sắc phong quý giá. Xã đã cho dọn dẹp vệ sinh khu vực chùa, cũng như giữ gìn, bảo vệ các sắc phong để sau này làm các thủ tục đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh”.

Theo bảng niên chùa An Hòa khai sơn năm 1760, trong chùa hiện còn lưu giữ nhiều bức hoành phi, liễn đối từ triều Nguyễn. Đáng chú ý, có bức hoành phi khắc 3 chữ “Thiên hậu từ” (Miếu thờ Thiên hậu thánh mẫu) do Hậu cục binh bộ Tả tham tri Tả thị vệ đại thần Lâm Duy Nghĩa cung tạo vào năm Thiệu Trị năm thứ 5 (1845).

Qua nhiều lần khảo sát thực tế tại chùa An Hòa, TS Võ Minh Hải, Phó trưởng khoa Khoa học - Xã hội và nhân văn, kiêm Giám đốc Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản (Trường ĐH Quy Nhơn), cho biết: “Những tư liệu quý còn lưu giữ ở chùa An Hòa chứng minh sự hình thành sớm của cộng đồng người Hoa ở vùng đất An Thái xưa. Chùa An Hòa là chứng tích thể hiện địa văn hóa một thời sầm uất phát triển của vùng đất này thời xưa. Việc phát hiện các sắc phong quý là cơ sở để địa phương, cũng như TX An Nhơn đề nghị xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị ngôi chùa nói riêng, nét văn hóa đặc trưng của địa phương nói chung”.

Ngay khi nhận thông tin phát hiện 7 sắc phong tại chùa An Hòa, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (Sở Nội vụ) đã đến chùa để sao chụp lại các tư liệu này. Ông Lâm Trường Định, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, cho biết: “Việc tiến hành scan lập bản sao các sắc phong chùa An Hòa để lưu giữ tại Trung tâm nhằm góp phần bảo quản, phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ quý hiếm qua sưu tầm, thu thập. Qua đó, quảng bá đến công chúng về lịch sử, văn hóa đất và người Bình Định xưa thông qua việc trưng bày những bản sao các sắc phong này”.

ĐOÀN NGỌC NHUẬN

Nguồn tin: Theo https://baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
Văn phòng điện tử IDesk
Công dân hỏi, giám đốc sở trả lời
Tra cứu Hồ sơ đi B
Công khai tài chính
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập159
  • Hôm nay495
  • Tháng hiện tại19,376
  • Tổng lượt truy cập1,870,443
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây